Trầm cảm sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, nó còn là một căn bệnh về thể chất.

Ảnh hưởng của trầm cảm đến sức khỏe

Trầm cảm anh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần

Bệnh trầm cảm

Chúng ta thường ghép căn bệnh tâm thần này với những nỗi đau cảm xúc như buồn, khóc và cảm giác tuyệt vọng, nhưng có nhiều nghiên cứu cho thấy trầm cũng gây ra các nỗi đau ở thể xác.

Trầm cảm gây ra những ảnh hưởng đến cách bạn ăn và ngủ. Nó ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận về bản thân và những người xung quanh. Căn bệnh này thậm chí còn ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn.

Bệnh trầm cảm nếu không được điều trị thích hợp, bằng thuốc chống trầm cảm và/hoặc liệu pháp tâm lý, bệnh trầm cảm có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm. Sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí dẫn tới ý định tự tử.

Những ảnh hưởng xấu của trầm cảm đến sức khỏe

Mệt mỏi

Mệt mỏi, không có sức lực để làm bất cứ việc gì và cơ thể cảm thấy uể oải vào buổi sáng. Không giống như mệt mỏi hàng ngày, mệt mỏi liên quan đến trầm cảm sẽ làm người bệnh mất tập trung, cảm giác khó chịu và thờ ơ.

Những người bị trầm cảm thường trải qua giấc ngủ không điều độ, nghĩa là họ cảm thấy uể oải ngay cả khi được nghỉ ngơi đầy đủ.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bệnh gây ra mệt mỏi như nhiễm trùng và virus, nên rất khó khăn để nhận ra liệu kiệt sức có liên quan đến trầm cảm hay không.

Giấc ngủ bị ảnh hưởng

Một trong những triệu chứng đáng chú ý nhất của bệnh trầm cảm đó là sự thay đổi trong giấc ngủ. Mặc dù vấn đề phổ biến nhất ở bệnh nhân trầm cảm là mất ngủ (khó ngủ đủ giấc), nhưng đôi khi bệnh nhân lại cảm thấy nhu cầu ngủ tăng lên và cảm thấy bị mất năng lượng quá mức. Thiếu ngủ có thể gây ra một số triệu chứng tương tự như trầm cảm đó là cực kỳ mệt mỏi, mất năng lượng và khó tập trung hoặc khó đưa ra quyết định.

Các dấu hiệu mất ngủ phổ biến ở những bệnh nhân trầm cảm không được điều trị bao gồm:

  • Mệt mỏi vào ban ngày
  • Khó chịu và khó tập trung
  • Ngủ mà không bao giờ cảm thấy là “đủ”
  • Khó ngủ
  • Khó ngủ lại sau khi tỉnh dậy vào ban đêm
  • Thức dậy nhiều lần trong đêm.
Ảnh hưởng của trầm cảm đến sức khỏe

Trầm cảm có thể dẫn tới ý định tự tử

Đau nhức cơ thể

Cơn đau có thể bắt đầu khi làm việc hoặc ngồi ở bàn học, lưng bạn sẽ bắt đầu đau. Nguyên nhân có thể là do căng thẳng, hoặc do trầm cảm. Mặc dù tư thế ngồi của bạn không đúng hoặc do chấn thương cũng gây đau nhức lưng, nhưng nó cũng có thể là một triệu chứng của tổn thương tâm lý.

Một nghiên cứu năm 2017 trên 1.013 sinh viên đại học Canada đã tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa trầm cảm và đau lưng. Các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần từ lâu đã tin rằng các vấn đề tình cảm có thể gây ra đau nhức mãn tính, nhưng các chi tiết cụ thể vẫn còn đang được nghiên cứu, chẳng hạn như mối liên hệ giữa trầm cảm và các phản ứng viêm của cơ thể.

Ngoài ra, tình trạng viêm trong cơ thể có liên quan đến các tế bào thần kinh trong não của chúng ta. Nhiều nhà nghiên cứu nghĩ rằng viêm sẽ làm gián đoạn tín hiệu não và do đó dẫn đến trầm cảm.

Bệnh tiểu đường

Người bị trầm cảm có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 nếu đã có tiền sử với bệnh lý này từ trước đó. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do bệnh trầm cảm làm thay đổi thói quen ăn uống của họ, khiến họ ăn ngọt nhiều hơn, khó kiểm soát được khẩu phần ăn và thành phần dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày. Mặt khác, vì cảm xúc của họ luôn ở trạng thái tiêu cực nên họ có xu hướng ăn nhiều để giải tỏa.

Ham muốn tình dục suy giảm

Nam giới mắc bệnh lý này dễ bị yếu sinh lý, rối loạn chức năng cương dương; phụ nữ dễ bị khô âm đạo nên đau rát khi quan hệ. Vì thế,trầm cảm kéo dài khiến người bệnh suy giảm ham muốn tình dục từ đó hạnh phúc gia đình rất dễ bị đe dọa.

Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít/ăn quá nhiều hoặc sút cân

Sự ngon miệng thường bị giảm sút, ăn rất ít, thậm chí trong các trường hợp nặng bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn. Bệnh nhân thường than phiền rằng họ bị mất cảm giác ngon miệng, không thấy đói mặc dù không ăn gì.

Ngược lại, khoảng 5% số bệnh nhân trầm cảm lại có thể tăng cảm giác ngon miệng và có thể muốn ăn một số thức ăn nhiều hơn. Khi đó họ dễ tăng cân và trở thành béo phì.

Đau dạ dày hoặc khó chịu ở bụng

Cảm giác đến từ dạ dày là một trong những dấu hiệu trầm cảm dễ nhận biết nhất. Tuy nhiên, khi bụng bắt đầu bị đau, bạn thường sẽ nghĩ nó là một cơn đau gây ra bởi nguyên nhân khác.

Cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi căng thẳng xuất hiện. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của Trường Y Harvard cho rằng sự khó chịu ở dạ dày như đau bụng, đầy hơi và buồn nôn có thể là dấu hiệu của sức khỏe tâm thần kém.

Các bác sĩ và các nhà khoa học đôi khi vẫn gọi ruột là bộ não thứ hai, vì mối liên hệ giữa sức khỏe đường ruột và sức khỏe tinh thần. Dạ dày của chúng ta chứa đầy vi khuẩn tốt và nếu có sự mất cân bằng vi khuẩn, các triệu chứng lo âu và trầm cảm sẽ xuất hiện.

Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi

Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi là rất hay gặp trong giai đoạn trầm cảm. Bệnh nhân cho rằng mình là kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì. Họ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc, trở thành gánh nặng cho gia đình, cơ quan và cho xã hội.

Cảm giác này có thể mạnh lên thành hoang tưởng. Ví dụ: một bệnh nhân tin rằng anh ta là sự khốn cùng của thế giới. Chính cảm giác vô dụng và tội lỗi của bệnh nhân khiến bệnh nhân muốn nhanh chóng kết thúc cuộc sống bằng cách từ chối điều trị và tự sát.

Ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát

Hầu hết bệnh nhân trầm cảm nặng đều có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì họ có thể có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát. Bệnh nhân cho rằng bệnh nhân từ chối điều trị và cho rằng chết đi cho đỡ đau khổ.

Có đến 75% các trường hợp tự sát có nguyên nhân là trầm cảm chủ yếu, vì vậy không được xem thường triệu chứng này. Khi phát hiện ra ý định tự sát ở bệnh nhân trầm cảm, thì cần điều trị chuyên khoa Tâm thần ngay.

Trầm cảm là một trong những bệnh tâm thần phổ biến, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Những người bị trầm cảm cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp, như liệu pháp tâm lý và thuốc men để họ có thể phục hồi hoàn toàn. Nếu bạn có bất cứ trạng thái nào giống vậy, hãy tìm đến bác sĩ hoặc một nhà tâm lý học để có thể chữa trị và tìm giải pháp cho bản thân.