Bệnh viêm da cơ địa trẻ em

Viêm da cơ địa là bệnh ngoài da khá phổ biến, mọi lứa tuổi có thể mắc nhưng thường gặp nhiều ở trẻ em. Với đặc trưng là da đỏ, khô, bong vảy, một số trường hợp chảy dịch, và ngứa. Vậy làm cách nào để kiểm soát căn bệnh này cho bé?

Bệnh viêm da cơ địa trẻ em
Bệnh viêm da cơ địa trẻ em

Viêm da cơ địa trẻ

Viêm da cơ địa ở trẻ em hay còn gọi là bệnh chàm là một bệnh viêm da mãn tính có xu hướng tái phát thường xuyên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường khởi phát ở trẻ em. Tình trạng viêm da cơ địa cũng có thể đi kèm với bệnh hen suyễn hoặc sốt cỏ khô.

Viêm da cơ địa ở trẻ là bệnh mãn tính và có liên quan đến cơ địa dị ứng. Bình thường, làn da sẽ có một lớp màng bảo vệ để ngăn không có nước trong da bị bốc hơi kèm theo đó là bảo vệ làn da khỏi những tác nhân xấu từ bên ngoài. Tuy nhiên với trẻ bị viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ này bị tổn thương khiến cho làn da của trẻ bị khô, mất nước và các vi khuẩn ở ngoài dễ dàng xâm nhập gây nên mụn đỏ, ngứa ngáy trên da bé.

Viêm da cơ địa thường khởi phát sớm, có tới 60% trường hợp viêm da cơ địa khởi phát bệnh trong năm đầu đời, 30% trẻ khởi phát bệnh trong 5 năm đầu tiên và chỉ 10% trẻ khởi phát bệnh sau 5 tuổi. Thông thường hơn 90% trường hợp trẻ sẽ ổn định sau 2 tuổi, chỉ 5% số trẻ bị bệnh chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn, có không ít trường hợp bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần cho đến khi trưởng thành.

Nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ

Nguyên nhân sinh bệnh khá phức tạp trong đó có yếu tố do gen và rối loạn miễn dịch, đây là 2 yếu tố quan trọng trong việc gây bệnh.

  • Sự thay đổi về gen có thể làm thay đổi các chức năng của hàng rào bảo vệ da, tạo điều kiện thuật lợi cho các tác nhân xấu gây bệnh ở môi trường như dị nguyên, vi khuẩn,… có thể dễ dàng xâm nhập và gây bệnh ở trẻ.
  • Về rối loạn miễn dịch thông thường là phản ứng bất thường qua trung gian IgE (type I) và phản ứng bất thường qua trung gian tế bào (type IV).
  • Môi trường cũng là một yếu tố quan trọng trong việc làm khởi phát bệnh cũng như làm bệnh có những triệu chứng tăng nặng như yếu tố thời tiết, không khí hanh khô, tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, bụi nhà, lông của động vật hay từ thức ăn như thịt bò, trứng, lạc (đậu phộng), tôm, cua,… Các dị nguyên do dị ứng tiếp xúc và các bệnh lý kèm theo.

Có nhiều yếu tố khiến cho bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em khởi phát hoặc trầm trọng thêm. Ví dụ, với thời tiết hanh khô thì da của bé sẽ khô hơn, vì vậy trẻ bị viêm da cơ địa các triệu chứng sẽ nặng hơn vào mùa đông và đỡ hơn khi vào hè. Bên cạnh đó, việc sử dụng xà phòng/xà bông hay các chất tẩy rửa không phù hợp, điều kiện vệ sinh kém và thức ăn cũng là yếu tố khởi phát các đợt cấp của viêm da cơ địa.

Vì vậy bố mẹ cần tuân thủ trong điều trị và không tự ý sử dụng các loại kem dưỡng, thuốc không được kê đơn và không rõ nguồn gốc để điều trị cho bé.

Biến chứng viêm da cơ địa trẻ em

Viêm da cơ địa trẻ em thường biểu hiện bằng da khô, phát ban đỏ khu vực da trên mặt, trên da đầu, cánh tay, chân hoặc vùng sau tai. Ở trẻ mới biết đi và trẻ lớn, ban thường xuất hiện ở vùng da quanh đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và vùng mắt cá chân. Trong một số trường hợp đặc biệt, ban có thể xuất hiện ở toàn bộ cơ thể trẻ. Ban thường rất ngứa, thậm chí khiến trẻ mất ngủ vào ban đêm.

Theo thống kê hơn một nửa số trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa có thể phát triển thành bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô (một dạng viêm mũi dị ứng gây ra các triệu chứng giống với cảm lạnh như chảy nước mũi, sung huyết, hắt hơi và áp lực xoang) vào năm 13 tuổi.

Điều trị viêm da cơ địa cho trẻ

Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sẽ tập trung và loại bỏ triệu chứng, giảm tình trạng ngứa, viêm da ở trẻ, giúp da trẻ nhanh dịu, đủ ẩm và chống nhiễm trùng da,… Tùy vào tình trạng của từng bé bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp.

Dưỡng ẩm cho da làm giảm biến chứng khó chịu

Kiểm soát ngứa cho trẻ

Ngứa sẽ khiến trẻ gãi nhiều và làm cho bệnh viêm da cơ địa ở trẻ trở nên nặng hơn, thậm chí gây nhiễm trùng. Để giảm ngứa cho trẻ có thể sử dụng một số cách sau:

  • Đắp ẩm hoặc sử dụng băng ướt cho vùng da tổn thương.
  • Vệ sinh sạch sẽ bàn tay của trẻ, không để móng tay trẻ dài.
  • Đánh lạc hướng sự tập trung chú ý của trẻ khi trẻ đang ngứa và gãi nhiều, như chơi trò chơi, xem TV,…
  • Sử dụng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phương pháp băng ướt (hoặc đắp ẩm) được áp dụng nếu bệnh viêm da cơ địa ở trẻ không được kiểm soát trong 24 – 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng cortisone. Băng ướt (hoặc đắp ẩm) thường chỉ cần từ ba đến năm ngày đã thấy rõ hiệu quả. Có thể pha dung dịch làm tăng cường độ ẩm cho da theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả hơn. Số lần thực hiện băng ướt (hoặc đắp ẩm) cho trẻ thường là vài lần mỗi ngày, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.

Sử dụng các loại thuốc

Thuốc điều trị sẽ tùy thuộc và giai đoạn và mức độ bệnh, vùng da bị tổn thương và độ tuổi của bé.

Điều trị tấn công: 

  • Sử dụng corticosteroid tại chỗ: Việc điều trị tùy theo nhu cầu với những trường hợp nhẹ thì không nên dùng. Cân nhắc lựa chọn những loại corticosteroid có hoạt tính phù hợp với lượng thuốc vừa đủ để sử dụng ngắn hạn, giảm liều một cách từ từ, tránh tái phát.

Điều trị duy trì: Phương pháp này chỉ áp dụng với những trường hợp bệnh nhi mắc bệnh nặng, tái phát thường xuyên.

  • Sử dụng Tacrolimus, Pimecrolimus tại chỗ để ngăn chặn bệnh tiến triển khi có dấu hiệu tái phát.
  • Sử dụng corticosteroid gián đoạn tại chỗ.

Trong trường hợp có biến chứng, trẻ vẫn có phản ứng ban đỏ mặc dù đã tuân thủ điều trị và chăm sóc da hợp lý thì có thể có một số nguyên nhân nhiễm trùng thứ phát và cần được điều trị nguyên nhân:

  • Nếu nhiễm khuẩn: Sử dụng kháng sinh đường uống và/hoặc kháng sinh tại chỗ;
  • Nếu nhiễm virus: Dùng thuốc kháng virus đường uống và/hoặc thuốc kháng virus tại chỗ.

Dưỡng ẩm cho da

Dưỡng da và sử dụng chất dưỡng ẩm là điều trị căn bản trong các giai đoạn của viêm da cơ địa. Các nghiên cứu trên thế giới cũng đã chứng minh hoạt tính của chất dưỡng ẩm làm tăng thêm tác dụng của corticosteroid bôi tại chỗ và giảm nhu cầu dùng corticosteroid trong viêm da cơ địa mức độ nhẹ và trung bình, có hiệu quả trong điều trị và giảm những tác dụng không mong muốn của corticosteroid, kéo dài thời gian ổn định bệnh và phòng tránh những đợt bùng phát ở trẻ.

Chất dưỡng ẩm lý tưởng sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mỗi trẻ và vị trí tổn thương.

Nên sử dụng chất dưỡng da ít nhất 2-3 lần/ngày, trong tình trạng da bé khô có thể tăng số lần sử dụng. Sau khi tắm, rửa tay, có thể sử dụng dưỡng da để duy trì độ ẩm da. Tránh sử dụng vào vùng niêm mạc mắt, mũi, miệng. Trường hợp giai đoạn cấp, bé có chỉ định dùng corticosteroid có thể dùng phối hợp kem dưỡng, bố mẹ có thể thoa dưỡng ẩm trước sau đó thoa corticosteroid.

Tắm cho trẻ

Nước quá nóng sẽ làm da trẻ khô và ngứa nhiều hơn, do đó không nên tắm cho trẻ với nước quá nóng, chỉ nên dùng nước ấm (không quá 30 độ C hoặc mát hơn, phụ thuộc thời tiết lúc tắm). Tắm cho trẻ cần tiến hành hằng ngày, nên sử dụng sữa tắm thay thế cho xà phòng (bởi xà phòng làm da khô hơn). Nên cho trẻ ngâm mình trong chậu hoặc bồn tắm có pha sữa tắm trong thời gian 15 – 30 phút để tăng cường cấp ẩm cho da. Thời điểm tắm cho trẻ là 2 giờ trước khi ngủ nhằm giúp trẻ ngủ ngon hơn.

Nếu trẻ có chỉ định và hướng dẫn riêng của bác sĩ chuyên khoa thì cần tuân thủ.

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ

  • Nếu trẻ bị viêm da quanh miệng liên quan đến thức ăn hoặc nước bọt thì vùng da quanh miệng cần được vệ sinh sạch bằng khăn mềm và ướt, sau đó bôi một lớp kem dưỡng ẩm.
  • Quần áo cho trẻ nên lựa chọn chất liệu cotton mềm mại, nhãn mác nên được loại bỏ để tránh cọ xát vào da.
  • Chăn sử dụng cho trẻ nên chọn một tấm chăn bông hoặc cotton nhằm tránh làm cho da trẻ quá nóng.
  • Tránh các chất dễ gây kích ứng cho da (chất tẩy rửa, xà phòng,…) và các yếu tố làm bệnh của trẻ nặng lên.
  • Trẻ nên được sống trong môi trường thoáng mát cả ngày lẫn đêm (hạn chế lò sưởi, quạt sưởi,…).
  • Trẻ cần đi khám ngay nếu không cải thiện sau 2 ngày điều trị hoặc có biểu hiện nhiễm trùng (vùng da tổn thương nứt, chảy nước,…)

Viêm da cơ địa ở trẻ em có thể chuyển biến phức tạp khi không được điều trị đúng cách. Bố mẹ cần chú ý trong việc chăm sóc trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi gần nhất để được điều trị trong trường hợp có những triệu chứng diễn tiến xấu.

Leave a reply