Chứng ngủ rũ là một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến sự kiểm soát giấc ngủ và sự tỉnh táo, là một nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Chứng ngủ rũ: Nguyên nhân và cách điều trị

Những cơn buồn ngủ không kiểm soát khi bạn mắc chứng ngủ rũ

Chứng ngủ rũ là gì?

Chứng ngủ rũ là điển hình cho một dạng rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến sự kiểm soát giấc ngủ và sự tỉnh táo của con người. Những người bị chứng ngủ rũ thường rơi vào tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày, các cơn ngủ đến không thể kiểm soát được. Đặc biệt là các cơn ngủ này có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào, trong bất kỳ hoạt động nào trong ngày. Có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, ảnh hưởng đến công việc, học tập và chức năng xã hội.

Có hai loại ngủ rũ

  • Ngủ rũ với sự tê liệt nhất thời
  • Ngủ rũ không có sự tê liệt nhất thời.

Thực tế thống kê cho thấy, chứng ngủ rũ không quá phổ biến và thường bắt đầu trong độ tuổi từ 10- 25 tuổi.

Nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ

Các bác sĩ cho biết ngủ rũ thường do sự mất cân bằng hóa học trong não gây ra. Hầu hết các trường hợp người bị ngủ rũ có mức hypocretin thấp, một chất dẫn truyền thần kinh thúc đẩy sự tỉnh táo. Một số trường hợp hiếm hoi, ngủ rũ có thể do khiếm khuyết di truyền gây ra, ngăn cản sự sản xuất hypocretin bình thường.

Với chứng ngủ rũ tê liệt nhất thời, các bác sĩ cho rằng sự mất các tế bào não sản xuất hypocretin do một rối loạn tự miễn dịch. Khi bị rối loạn miễn dịch, các mô tế bào khỏe mạnh sẽ bị tấn công, ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe.

Một số trường hợp hiếm hoi của ngủ rũ có thể là hậu quả của chấn thương các bộ phận ở não điều chỉnh giấc ngủ chuyển động mắt nhanh, các khối u não hoặc các quá trình bệnh khác xảy ra trong cùng khu vực não.

Các nguyên nhân như nhiễm trùng, tiếp xúc với độc tố, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố, thay đổi lịch trình ngủ cũng có thể gây ra chứng ngủ rũ.

Những triệu chứng thường gặp

Nếu bạn bị chứng ngủ rũ, có thể bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ trong ngày ngay cả khi bạn đã có một giấc ngủ ngon. Bạn có thể bị thiếu năng lượng, tâm trạng chán nản, khó tập trung hoặc kiệt sức.

Những triệu chứng của bệnh đó là:

Ngủ nhiều vào ban ngày

  • Người mắc chứng ngủ rũ có thể ngủ bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu, không đoán trước được. Tình trạng ngủ nhiều vào ban ngày gây nhiều rắc rối cho người bệnh, khiến không thể tập trung làm việc hiệu quả. Người bệnh có thể tự nhiên rơi vào giấc ngủ khi đang làm việc, hay đang nói chuyện với bạn bè.

Đột ngột mất trương lực cơ

  • Biểu hiện là các thay đổi về mặt thể chất, từ nói lắp đến yếu dần hoàn toàn các cơ, tình trạng kéo dài vài giây tới vài phút tùy vào tình trạng. Khi mất trương lực cơ không thể kiểm soát và được kích hoạt bởi những cảm xúc mãnh liệt, các cảm xúc tích cực như cười đùa quá khích, thi thoảng là sợ hãi, bất ngờ hoặc giận dữ. Người mắc chứng ngủ rũ bị mất trương lực cơ chỉ 1 hoặc 2 lần trong 1 năm, cũng có khi bị mất trương lực cơ trong một ngày. Tuy nhiên không phải ai bị ngủ rũ cũng đều mất trương lực cơ.

Bóng đè

  • Tình trạng liệt tạm thời xảy ra trong giấc ngủ, mắt chuyển động nhanh. Người mắc chứng ngủ rũ thường bị mất tạm thời khả năng di chuyển trong lúc ngủ, nói mớ trong lúc ngủ, lúc mới dậy. Tình trạng này diễn ra trong thời gian ngắn, vài giây hoặc vài phút nhưng lại khiến người bệnh rất sợ.
Chứng ngủ rũ: Nguyên nhân và cách điều trị

Mộng du, bóng đè là những triệu chứng có thể gặp phải trong chứng ngủ rũ

Ảo giác

  • Các ảo giác mà người bệnh ngủ rũ gặp phải gọi là ảo giác lúc ngủ nếu chúng xảy ra khi ngủ, ảo giác lúc thức nếu chúng xuất hiện khi người bệnh đang thức. Tình trạng này có thể rất rõ ràng và đáng sợ vì phải trải nghiệm giấc mơ của mình như thật.

Ngoài ra, người bệnh ngủ rũ còn có các biểu hiện, đặc điểm khác như ngưng thở khi ngủ, lúc mới bắt đầu ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ suốt đêm. Hội chứng chân không yên, mất ngủ, thực hiện giấc mơ của họ bằng cách đập tay, đã chân, la hét … là biểu hiện của chứng ngủ rũ.

Những tác hại không mong muốn mà chứng ngủ rũ gây ra

 Ảnh hưởng đến chức năng nghề nghiệp và xã hội

  • Hiệu suất công việc của họ có thể bị giảm, bị đánh giá không chủ động trong công việc.

Ảnh hưởng đến thể chất

  • Có nhiều nguy cơ bị tai nạn trong: giao thông, sinh hoạt, lao động.

Ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân

  • Cảm xúc mãnh liệt có thể kích hoạt các dấu hiệu của chứng ngủ rũ khiến người bệnh dễ mất đi các mối quan hệ.

Béo phì

  • Những người mắc chứng ngủ rũ có sự trao đổi chất thấp nên dễ thừa cân.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần

  • Trầm cảm, lo lắng và rối loạn tăng động / giảm chú ý (ADHD).

Điều trị chứng ngủ rũ

Hiện tại chưa có cách chữa trị đặc hiệu cho chứng ngủ rũ, một số triệu chứng có thể được cải thiện bằng thuốc và thay đổi lối sống.

Thay đổi lối sống

Không phải tất cả mọi người mắc chứng ngủ rũ đều có thể duy trì trạng thái tỉnh táo hoàn toàn bình thường bằng cách sử dụng các loại thuốc hiện có. Điều trị bằng thuốc nên đi kèm với các thay đổi lối sống khác nhau. Các chiến lược sau có thể hữu ích:

  • Ngủ một giấc ngắn: có những giấc ngủ ngắn theo lịch trình thường xuyên vào những thời điểm họ có xu hướng cảm thấy buồn ngủ nhất.
  • Duy trì một lịch trình ngủ đều đặn: đi ngủ và thức dậy vào đúng một thời điểm hàng ngày, dù là ngày nghỉ, có thể giúp mọi người ngủ ngon hơn.
  • Tránh uống rượu và chất kích thích thần kinh trong vài giờ buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Không hút thuốc, nhất là vào ban đêm.
  • Tập thể dục hàng ngày: ít nhất 20 phút/ ngày, tập trước khi đi ngủ khoảng 4-5 giờ cũng cải thiện chất lượng giấc ngủ và có thể giúp hạn chế tăng cân.
  • Nên ăn tối trước 19 giờ và chế độ ăn ít năng lượng vào bữa tối.
  • Thư giãn trước khi đi ngủ: Các hoạt động thư giãn như tắm nước ấm trước khi đi ngủ tối giúp thúc đẩy cơn buồn ngủ. Đồng thời đảm bảo không gian ngủ thoáng mát, dễ chịu, không để hoa và chất tạo mùi trong phòng, duy trì nhiệt độ phòng phù hợp.

Dùng thuốc

Mục đích của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chức năng của cơ thể vào ban ngày.

  • Thuốc có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương giúp người mắc chứng ngủ rũ tỉnh táo vào ban ngày.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể làm giảm tê liệt giấc ngủ và ảo giác.
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs)
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)

Người bệnh ngủ rũ cần chú ý trong điều trị không tự ý sử dụng thuốc hoặc ngừng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ điều trị. Khi có phản ứng phụ với thuốc cần báo ngay cho bác sĩ. Người mắc chứng ngủ rũ đang có bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường cần hỏi bác sĩ về thuốc điều trị phù hợp.

Chứng ngủ rũ thật sự không phải là một bệnh ác tính gây tử vong. Điều nguy hiểm của căn bệnh này là những khi bạn đang lái xe hay làm việc gì dễ té ngã thì có thể dẫn tới hệ quả rất khủng khiếp. Việc phát hiện sớm và điều chỉnh lối sống giúp phần nào cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn khi mắc phải rối loạn này.