Điều trị trầm cảm bằng thuốc

Thuốc chống trầm cảm được kê đơn khi bệnh nhân gặp các vấn đề liên quan đến trầm cảm. Việc điều trị trầm cảm bằng thuốc phải theo chỉ dẫn của bác sĩ, người nhà hoặc bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc để tránh những hậu quả không mong muốn xảy ra.

Điều trị trầm cảm bằng thuốc

Dùng thuốc chống trầm cảm chỉ khi có chỉ định của bác sĩ

Vì sao bị trầm cảm?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra trầm cảm:

  • Tiền sử gia đình.
  • Những sang chấn tâm lý ở tuổi thơ như bị bạo lực gia đình, bạo lực trường học…
  • Do cấu trúc não (nếu thùy trán não kém hoạt động, nguy cơ cao bị bệnh trầm cảm); thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh, suy giảm các chất dẫn truyền thần kinh serotonin, dopamine, norepherdrine trong não; thay đổi hormone trong cơ thể (giai đoạn mang thai và sinh con hay gặp trầm cảm sau sinh)…
  • Những người kém tự tin, hay tự trách bản thân dễ bị trầm cảm.
  • Những sự kiện stress như mất người thân, kinh tế, ly hôn, chia tay người yêu.

Ngoài ra, nhiều loại thuốc trị bệnh, một số tình trạng bệnh mạn tính (ung thư, tăng huyết áp, bệnh lý cơ xương khớp…), uống rượu… cũng dễ dẫn đến trầm cảm.

Phụ nữ dễ mắc trầm cảm hơn nam giới. Những người có vấn đề về giới tính như chuyển giới, đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính cũng dễ trầm cảm hơn.

Những triệu chứng của bệnh

Trầm cảm gây ra nhiều triệu chứng rất khác nhau, có thể ảnh hưởng đến cảm xúc hoặc có thể ảnh hưởng đến những cơ quan khác của cơ thể.

  • Thay đổi cảm xúc: Kích thích, lo lắng, bất an, cảm giác buồn chán, trống rỗng, không còn hy vọng gì.
  • Hành vi thay đổi: Không còn thấy hứng thú, hào hứng trong những hoạt động trước kia mình vẫn thích, cảm thấy dễ mệt mỏi, có ý nghĩ muốn chết,
  • Ảnh hưởng khả năng tình dục, nhận thức: Giảm sự tập trung chú ý, khó khăn trong hoàn thành nhiệm vụ, chậm chạp khi trả lời câu hỏi); mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích.

Trầm cảm nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong cuộc sống hàng ngày. Người bị trầm cảm dễ bị thất nghiệp, mất công việc; không duy trì được các mối quan hệ, hoạt động xã hội, cô lập về mặt xã hội; sử dụng các chất gây nghiện hoặc rượu và có ý nghỉ tự tử cũng như có thể dẫn tới hành vi tự sát.

Điều trị trầm cảm bằng thuốc

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm là loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh trầm cảm dựa trên chẩn đoán lâm sàng. Chúng cũng có thể được dùng để điều trị một số tình trạng khác, bao gồm: rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Đôi khi chúng cũng được sử dụng trong việc điều trị các bệnh mãn tính.

Thuốc chống trầm cảm hoạt động bằng cách tăng mức độ chất dẫn truyền thần kinh trong não. Một số chất dẫn truyền thần kinh phổ biến như serotonin và noradrenaline là yếu tố ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc của một người.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thuốc chống trầm cảm hữu ích cho những người bị trầm cảm trung bình hoặc nặng. Chúng thường không được khuyên dùng cho trường hợp trầm cảm nhẹ, trừ khi các phương pháp điều trị khác như liệu pháp không có tác dụng.

Điều trị trầm cảm bằng thuốc chống trầm cảm

Liệu pháp tâm lý kết hợp với thuốc giúp tăng hiệu quả tốt hơn

Các loại thuốc chống trầm cảm

Thuốc điều trị giúp cân bằng lại serotonin trong não, làm mất đi các triệu chứng trầm cảm mà sự mất cân bằng này gây ra, gồm có những loại sau đây:

Thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs)

  • Là một trong những loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Chúng hoạt động theo phương thức làm cân bằng các serotonin trong não, giúp bệnh nhân có khả năng thuyên giảm các triệu chứng trầm cảm.
  • Gồm những thuốc như sertraline, fluoxetine, citalopram, escitalopram, paroxetine, fluvoxamine…
  • Thuốc có những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, buồn ngủ hoặc có thể khó ngủ, run tay chân, rối loạn chức năng tình dục, căng thẳng, nóng nảy, nhìn mờ, giảm nhu cầu tình dục, rối loạn cường dương.

Thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin và norepinephrine (SNRIs)

  • Một trong những loại thuốc mới được đưa vào sử dụng nhưng mang lại hiệu quả tương đối cao. Những tác dụng phụ mà chúng mang lại cũng không đáng kể. Một số triệu chứng bệnh nhân có thể gặp như: đau bụng, lo lắng, ngủ không sâu giấc hoặc các vấn đề về tình dục,…
  • Gồm những thuốc như duloxetine, venlafaxine, mirtazapine.
  • Các thuốc này có tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, táo bón, lơ mơ ngủ gà, khô miệng.

Chống trầm cảm ba vòng (TCAs)

  • Là một trong những loại thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị căn bệnh trầm cảm nên. Chúng có thể được sử dụng thay thế cho những trường hợp nếu điều trị bằng SSRIs không mang lại hiệu quả.
  • Gồm những thuốc như amitriptyline, clomipramine, desipramine….
  • Bất lợi của các thuốc này là táo bón, khô miệng, mệt mỏi, nhìn mờ, tụt huyết áp, nhịp tim bất thường, co giật, tăng cân…

Ngoài những tác dụng phụ phổ biến như trên, việc dùng thuốc chống trầm cảm loại SSRI có thể làm cho người bệnh có ý nghĩ tự sát, hay gặp nhiều ở trẻ em và thanh niên. Khi gặp tác dụng phụ này cần báo bác sĩ điều trị.

Thuốc chống trầm cảm có thể thể tương tác với các thuốc khác nhau, kể cả thuốc được bác sĩ kê đơn hay thuốc có thể mua không cần kê đơn. Vì vậy, phải báo với bác sĩ khi bạn sử dụng bất kỳ thuốc gì kết hợp.

Những lưu ý khi dùng thuốc chống trầm cảm

Mặc dù việc sử dụng thuốc chống trầm cảm như thế nào là do bác sĩ chỉ định, tuy nhiên bệnh nhân cần lưu ý một số thông tin sau:

  • Nếu thấy xuất hiện một trong các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, táo bón, khô miệng, buồn ngủ (vào ban ngày), bị kích động, căng thẳng, giảm chức năng tình dục, … thì cần báo cho bác sĩ đang điều trị để kiểm tra các biểu hiện này có phải là tác dụng phụ của thuốc hay không.
  • Việc sử dụng thuốc trầm cảm trên nhóm đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ bởi thuốc có khả năng làm các triệu chứng của bệnh nặng hơn (như mất ngủ, dễ bị kích động), nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ có ý định hoặc suy nghĩ về vấn đề tự tử.
  • Ở những bệnh nhân bị trầm cảm là người cao tuổi với các biểu hiện như ít ngủ, suy giảm trí nhớ, thường xuyên lo lắng, buồn rầu,… dẫn đến việc khó phát hiện bệnh. Do đó, người bệnh cần được phát hiện sớm, đồng thời hạn chế sử dụng thuốc trong thời gian dài.
  • Nếu trong 3 tháng sử dụng thuốc không mà các triệu chứng của bệnh không cải thiện thì nên cân nhắc việc dừng thuốc chống trầm cảm vì bệnh có thể trở nặng hơn hoặc do thuốc gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Ngoài các tiêu chí như hiệu quả điều trị cao, ít gây tác dụng phụ, việc chọn lựa và chỉ định thuốc cũng cần phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh (bệnh lý khác đi kèm), các loại thuốc tâm thần đã từng và đang sử dụng. Do đó, người bệnh cần thông tin đầy đủ đến bác sĩ để được tư vấn thuốc phù hợp.
  • Nếu ngưng hoặc giảm liều sử dụng thuốc chống trầm cảm đột ngột, nhanh chóng có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu, đổ mồ hôi, co cơ, mất ngủ, tăng huyết áp, tim đập nhanh,… Do đó, nếu muốn ngưng thuốc, đặc biệt là những thuốc có thời gian bán hủy ngắn thì cần giảm liều sử dụng từ từ và từng bước.

Cách sử dụng thuốc chống trầm cảm tốt nhất

  • Người bệnh cần kiên nhẫn uống thuốc chống trầm cảm đúng liều lượng và theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu thuốc của bạn không hiệu quả hoặc gây ra các tác dụng phụ khó chịu, hãy liên hệ với bác sĩ.
  • Theo dõi các tác dụng phụ có được cải thiện không.
  • Để sử dụng thuốc chống trầm cảm tốt nhất, trong nhiều trường hợp, việc kết hợp thuốc chống trầm cảm với liệu pháp tâm lý sẽ cho kết quả tốt hơn, nó cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.
  • Không uống rượu và sử dụng các chất kích thích.

Để có hiệu quả điều trị trầm cảm cao, người bệnh cần thăm khám sớm các bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là các bệnh nhân cao tuổi, đồng thời ghi nhớ các lưu ý khi sử dụng thuốc đạt hiểu quả cao trong quá trình điều trị.

Leave a reply