Lạm dụng thuốc ngủ

Nhiều người cần đến thuốc ngủ để dễ đi vào giấc ngủ hoặc ngủ ngon giấc hơn. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc ngủ sẽ mang đến những rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe.

Lạm dụng thuốc ngủ

Lạm dụng thuốc ngủ sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng

Tác dụng của thuốc ngủ

Thuốc ngủ có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, giúp người sử dụng nhanh chóng đạt được giấc ngủ mong muốn. Do đó thuốc ngủ thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân căng thẳng, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ do áp lực công việc, gia đình hàng ngày.

Thuốc ngủ thường được phân loại dựa vào cấu trúc hóa học gồm:

  • Dẫn xuất của Barbituric: Là nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương có tác dụng an thần, gây ngủ, chống co giật và chống động kinh. Thuốc tác dụng trong khoảng 8-12 giờ.
  • Dẫn xuất của Benzodiazepin: Là nhóm thuốc có tác dụng an thần và gây ngủ, có hiệu quả trong vòng 6 giờ kể từ khi tác dụng.

Tác hại của việc lạm dụng thuốc ngủ

Các trường hợp lạm dụng, uống thuốc ngủ kéo dài nếu nhẹ thì thường không có triệu chứng gì rõ rệt, nhịp thở vẫn đều đặn và có đáp ứng cơ thể khi bị tác động. Tuy nhiên sau khi thức giấc thường hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu. Các trường hợp nặng thì có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm như:

  • Hôn mê sâu
  • Mạch nhanh, thở chậm và nông, có thể kèm khò khè khó chịu
  • Nhịp tim không đều, lúc nhanh lúc chậm và thường xuyên bị ngắt quãng
  • Đồng tử co, phản xạ ánh sáng chậm
  • Huyết áp giảm hoặc không đo được
  • Uống quá liều còn có thể gây co giật, hôn mê triền miên, da xanh tím, thậm chí là tiêu chảy và nôn ra máu
  • Người uống thuốc ngủ kéo dài lâu dần cũng trở nên “nhờn thuốc” khiến cho thuốc mất khả năng cải thiện giấc ngủ mà vẫn gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi, suy giảm trí nhớ hay thậm chí là tâm thần.

Những vấn đề nguy hiểm đặc biệt như:

  • Không thể kiểm soát hành vi
  • Uống thuốc ngủ quá liều có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Đối tượng không nên dùng thuốc ngủ

Nếu người bệnh từ 65 tuổi trở lên, các chuyên gia khuyên nên tránh sử dụng tất cả các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ, bao gồm thuốc không kê đơn và các loại thuốc ngủ như eszopiclone (Lunesta), zaleplon (Sonata) và zolpidem (Ambien).

So với những người trẻ tuổi, người lớn tuổi có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khi dùng thuốc ngủ cao hơn. Nguyên nhân là vì thuốc ngủ thường sẽ tồn tại trong cơ thể người cao tuổi lâu hơn. Cơn buồn ngủ thậm chí có thể kéo dài cả ngày sau khi uống thuốc. Người lớn tuổi có thể gặp phải các tình trạng như lú lẫn và các vấn đề về trí nhớ, điều này có thể dẫn đến ngã, gãy xương hông và những chấn thương khác…

Lạm dụng thuốc ngủ

Chỉ dùng thuốc ngủ khi có chỉ định của bác sĩ

Làm gì khi uống quá nhiều thuốc ngủ?

Triệu chứng người uống thuốc ngủ quá liều

Người uống thuốc ngủ quá liều có những triệu chứng khác nhau phụ thuộc vào liều lượng, thành phần thuốc cũng như tình trạng thể chất của người đó.

Trong trường hợp ngộ độc thuốc ngủ nhẹ, người bệnh sẽ có những triệu chứng:

  • Rơi vào trạng thái ngủ say.
  • Mạch đập đều, hơi thở ổn định.
  • Gân và đồng tử phản xạ bình thường, có thể giảm nhẹ.

Trong trường hợp ngộ độc thuốc ngủ nặng nhưng còn ý thức, người bệnh sẽ có những triệu chứng như mắt mờ, ù tai, khó thở, đau bụng, nôn mửa… Còn đối với người đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu, họ sẽ có những triệu chứng phổ biến sau:

  • Thở khò khè, tắc thở
  • Huyết áp giảm
  • Nhiệt độ cơ thể bất thường
  • Phản xạ gân và cơ giảm mạnh có thể mất trong một số trường hợp, biểu hiện là các chi mềm nhũn.  Nếu có tình trạng thiếu oxy tổ chức sẽ thây biểu hiện co cứng.
  • Uống thuốc ngủ quá liều gây tình trạng hôn mê sâu.

Sơ cứu người uống thuốc ngủ quá liều

Khi thấy người có những dấu hiệu và triệu chứng trên kèm theo tình trạng sử dụng thuốc ngủ, chúng ta có thể nghĩ tới trường hợp ngộ độc thuốc ngủ. Khi đó, chúng ta cần thực hiện những điều sau:

  • Bước 1: Kiểm tra tình trạng ý thức của người bệnh. Để bệnh nhân ở tư thế đầu nằm nghiêng tránh dặc đờm dãi vào phổi. Lập tức gọi sự trợ giúp từ những người xung quanh, đặc biệt cần gọi hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt.
  • Bước 2: Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của người bị ngộ độc bao gồm khả năng hô hấp và chức năng tuần hoàn. Nếu chức năng sinh tồn kém, cần hỗ trợ chức năng sống bằng kĩ thuật CPR (hồi sức tim phổi). Đối với trường hợp dấu hiệu sinh tồn ổn định, hãy đưa người bệnh ra một nơi an toàn và thoải mái.
  • Bước 3: Tiếp tục theo dõi dấu hiệu sinh tồn và hỗ trợ nếu cần thiết cho đến khi có nhân viên y tế tới.

Nếu một người không có triệu chứng co giật sau khi lạm dụng thuốc, bác sĩ có thể kê đơn thuốc flumazenil, giúp đảo ngược trạng thái an thần để đưa người bệnh trở lại trạng thái bình thường.

Trong trường hợp người bệnh uống thuốc ngủ với một lượng lớn, bác sĩ có thể lấy những viên thuốc này ra bằng máy bơm dạ dày (tuy phương pháp này thường ít được sử dụng).

Sử dụng thuốc ngủ đúng cách

Một số khuyến cáo chung trong việc sử dụng thuốc ngủ mà bệnh nhân cần lưu ý bao gồm:

  • Chỉ uống thuốc ngủ theo chỉ định của bác sĩ, trình bày rõ tiền sử thuốc cùng như tình trạng mất ngủ.
  • Hiểu rõ về thuốc ngủ – sử dụng đúng liều lượng, uống thuốc đúng giờ.
  • Không uống rượu khi đang sử dụng thuốc ngủ vì có thể làm tăng tác dụng phụ dẫn tới liều độc, trường hợp bất khả kháng thì tối đa có thể dùng 2 cốc bia trước khi ngủ 6 giờ.
  • Không ăn quá no vì sự tăng cao của đường máu có thể làm nặng thêm tình trạng khó ngủ.
  • Tránh tối đa các tác động stress bên ngoài.
  • Phối hợp việc điều chỉnh giấc ngủ với sử dụng thuốc ngủ để không rơi vào tình trạng ngủ quá muộn hoặc thức giấc quá sớm.
  • Ưu tiên không gian ngủ thoải mái và thân thuộc để tăng chất lượng cho giấc ngủ.

Tác dụng của thuốc ngủ là rất rõ ràng. Tuy nhiên, những tác hại của thuốc ngủ khi uống quá liều là rất nghiêm trọng. Tình trạng hôn mê và tử vong có thể sẽ diễn ra nếu như người thiếu ngủ chủ quan và không thu thập thông tin sử dụng chính xác của thuốc ngủ. Vì thế, chỉ uống thuốc ngủ theo chỉ định của bác sĩ.

Leave a reply