Chúng tôi mong muốn hiển thị cho bạn thông tin sản phẩm chính xác. Nội dung, các nhà sản xuất và những gì cung cấp bạn thấy ở đây và chúng tôi chưa xác minh điều đó. Từ chối trách nhiệm

Thành phần

  • Trazodone 50mg

Công dụng (Chỉ định)

  • Lo âu, trầm cảm, rối loạn lo âu và trầm cảm hỗn hợp.

Liều dùng

Liều dùng:

  • Nên dùng liều thấp và tăng dần từ từ, ghi nhận đáp ứng lâm sàng và bất kỳ dấu hiệu không dung nạp thuốc nào. Nếu xảy ra tình trạng buồn ngủ hãy dùng một phần lớn liều trong ngày trước khi đi ngủ hoặc giảm liều. Nên dùng thuốc ngay sau bữa ăn.
  • Người lớn: Liều khởi đầu 150 mg/ ngày chia 2 3 lần uống. Có thể tăng thêm 50 mg/ ngày sau 3 4 ngày. Liều tối đa cho bệnh nhân ngoại trú không quá 400 mg/ ngày, chia nhiều lần uống. Bệnh nhân nội trú (bệnh nhân trầm cảm nặng) có thể dùng liều cao hơn nhưng không quá 600 mg/ ngày chia nhiều lần uống.
  • Liều duy trì: Nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả. Khi đạt được đáp ứng đầy đủ, có thể giảm liều từ từ, sau đó điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng điều trị.
  • Người cao tuổi hay suy nhược: Liều khởi đầu 100 mg/ ngày. Có thể tăng liều tùy theo hiệu quả và sự dung nạp thuốc. Không nên dùng quá 300 mg/ ngày.
  • Trẻ em: Chưa có đủ thông tin về an toàn khi dùng trazodon cho trẻ em.
  • Điều trị lo âu cho người lớn: Liều khởi đầu 75 mg/ ngày có thể tăng lên đến 300 mg/ ngày nếu cần. Chia nhiều lần một ngày hoặc uống 1 lần trước khi đi ngủ.

Cách dùng: Dùng uống.

Quá liều

  • Có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn và nôn. Nghiêm trọng có thể gây hôn mê, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, giảm natri máu, co giật và suy hô hấp, chậm nhịp tim, kéo dài khoảng QT và xoắn đỉnh. Các triệu chứng có thể xuất hiện 24 giờ sau khi dùng quá liều.
  • Xử trí: Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho trazodon. Có thể dùng than hoạt và rửa dạ dày sau khi uống 1 giờ. Theo dõi huyết áp, mạch, GCS và điều trị hỗ trợ triệu chứng như co giật, hạ huyết áp.

Không sử dụng trong trường hợp sau (Chống chỉ định)

  • Thuốc chống chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng hoặc tăng mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
  • Ngộ độc rượu và ngộ độc thuốc ngủ.
  • Nhồi máu cơ tim cấp.

Tác dụng không mong muốn (Tác dụng phụ)

  • Buồn ngủ, chóng mặt, bồn chồn, trạng thái lẫn lộn, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, sút cân, khô miệng, táo bón, tiêu chảy, run, tim đập nhanh hoặc nhịp tim chậm, hạ huyết áp thế đứng, phù nề, mờ mắt, cương dương, phát ban da, hội chứng bài tiết hormon chống bài niệu.
  • Nguy cơ gây tử vong: rối loạn tạo máu, tổn thương tế bào gan, hội chứng ác tính do thuốc tâm thần.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Xử trí ADR:

  • Ngừng sử dụng thuốc. Với các phản ứng bất lợi nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid…).

Tương tác với các thuốc khác

  • Có thể tăng tác dụng an thần của các thuốc thần kinh, thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc chống lo âu; nên giảm liều trong những trường hợp trên.
  • Quá trình chuyển hóa của thuốc trầm cảm tăng lên do tác động đến gan của các thuốc ngừa thai dạng uống, phenytoin, carbamazepin và barbiturat. Chuyển hóa thuốc trầm cảm bị ức chế bởi cimetidin và một số thuốc tâm thần khác.
  • Thử nghiệm in vitro cho thấy trazodon có khả năng tương tác với các chất ức chế mạnh CYP3A4 như erythromycin, ketoconazol, itraconazol, ritonavir, indinavir và nefazodon làm tăng nồng độ trong huyết tương của trazodon.
  • Trazodon có thể làm tăng tác dụng của các thuốc giãn cơ và thuốc gây mê dễ bay hơi nên cần thận trọng khi dùng chung. Trazodon tăng cường tác dụng an thần các thuốc an thần, bao gồm cả rượu. Không dùng rượu khi đang trong quá trình điều trị với trazodon.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Nên tránh dùng chung do nguy cơ tương tác gây nên hội chứng serotonin và tác dụng không mong muốn trên tim mạch.
  • Fluoxetin: hiếm khi xảy ra gây tăng nồng độ trong huyết tương của trazodon.
  • Các thuốc ức chế monoamin oxidase: Không dùng chung các thuốc IMAO với trazodon và không dùng một thuốc trong vòng hai tuần sau khi ngừng thuốc còn lại.
  • Phenothiazin, chlorpromazin, fluphenazin, levomepromazin, perphenazin: Có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng nghiêm trọng khi dùng chung với trazodon.
  • Sử dụng đồng thời của trazodon với các thuốc có tác dụng kéo dài khoảng QT có thể làm tăng nguy cơ loạn nhịp thất, bao gồm cả xoắn đỉnh.
  • Wafarin: Có thể gây thay đổi thời gian prothrombin.
  • Phenytoin, digoxin: Tăng nồng độ trong huyết thanh của phenytoin và digoxin.

Lưu ý khi sử dụng (Cảnh báo và thận trọng)

Trazodon nên được dùng thận trọng ở bệnh nhân bí tiểu liên quan đến rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Tự tử/ ý nghĩ tự tử và làm xấu đi tình trạng bệnh: Bệnh nhân trầm cảm và rối loạn thần kinh có thể thấy tình trạng trầm cảm của mình nặng hơn hoặc xuất hiện ý nghĩ tự tử dù có hoặc không có dùng thuốc trầm cảm. Tuy nhiên các thuốc chống trầm cảm có thể có vai trò trong sự nặng hơn bệnh trầm cảm và xuất hiện ý tưởng tự tử ở một vài bệnh nhân ở giai đoạn đầu của quá trình điều trị.

Bệnh nhân sử dụng thuốc chống trầm cảm cho bất kỳ chỉ định nào nên được theo dõi chặt chẽ để nhanh chóng phát hiện dấu hiệu bệnh nặng hơn, ý định tự tử và những thay đổi hành động bất thường, đặc biệt ở những tháng đầu sử dụng thuốc, lúc thay đổi liều lượng, dù là tăng hay giảm liều.

Thận trọng về liều lượng và theo dõi thường xuyên khi dùng thuốc ở những bệnh nhân sau:

  • Bệnh động kinh, tránh đột ngột tăng hoặc giảm liều.
  • Bệnh nhân suy gan, thận. Đặc biệt thận trọng khi suy gan, thận nặng.
  • Bệnh nhân có bệnh tim, ví dụ như: cơn đau thắt ngực, rối loạn dẫn truyền hoặc block nhĩ thất các mức độ khác nhau và người nhồi máu cơ tim gần đây.
  • Cường giáp.
  • Rối loạn tiểu tiện, ví dụ như: phì đại tuyến tiền liệt, tuy nhiên những bất lợi có thể không thấy được do tác dụng kháng cholinergic của trazodon ít.
  • Bệnh nhân tăng nhãn áp góc hẹp cấp tính, tăng áp lực trong mắt, mặc dù những thay đổi lớn có thể không thấy được do tác dụng kháng cholinergic ít của trazodon.
  • Khi bệnh vàng da xảy ra, điều trị bằng trazodon phải ngừng lại.
  • Dùng thuốc chống trầm cảm ở bệnh nhân tâm thần phân liệt hoặc các bệnh rối loạn tâm thần khác có thể làm xấu đi các triệu chứng bệnh tâm thần. Suy nghĩ hoang tưởng có thể bị tăng lên. Trong quá trình điều trị rối loạn tâm thần hưng trầm cảm với trazodon, giai đoạn trầm cảm có thể thay đổi sang giai đoạn hưng cảm. Khi đó, trazodon phải được ngừng sử dụng.
  • Do mất bạch cầu hạt biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng giống như cúm, đau họng và sốt, nên khi bị các triệu chứng trên nên tiến hành kiểm tra huyết học.
  • Hạ huyết áp, bao gồm hạ huyết áp tư thế đứng và ngất, đã được báo cáo xảy ra ở bệnh nhân được cho dùng trazodon. Dùng đồng thời thuốc điều trị hạ huyết áp với trazodon có thể phải giảm liều thuốc hạ huyết áp.
  • Bệnh nhân cao tuổi thường nhạy cảm hơn với thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là hạ huyết áp tư thế và các tác dụng kháng cholinergic khác.
  • Khi điều trị với trazodon, đặc biệt là cho một thời gian dài, khuyến cáo nên gia tăng thời gian từ khi giảm liều đến khi ngừng thuốc để giảm triệu chứng cai thuốc, đặc trưng bởi buồn nôn, nhức đầu và khó chịu.
  • Không có bằng chứng trazodon có thể gây nghiện.
  • Như với các thuốc chống trầm cảm khác, trường hợp kéo dài khoảng QT hiếm khi báo cáo khi dùng trazodon. Cần thận trọng khi kê toa trazodon với các sản phẩm thuốc kéo dài khoảng QT. Trazodon nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân bị bệnh tim mạch bao gồm cả những bệnh liên quan đến kéo dài khoảng QT.
  • Tương tự như với các thuốc có tác động ức chế giao cảm alpha, trazodon hiếm khi gây ra cương dương. Nó có thể được điều trị bằng tiêm vào thể hang một chất alphaadrenergic như adrenalin hoặc metaraminol. Tuy nhiên có những báo cáo biến chứng cương dương do trazodon cần can thiệp phẫu thuật hoặc dẫn đến rối loạn chức năng tình dục lâu dài. Bệnh nhân phát hiện những phản ứng nghi ngờ bất lợi nên ngưng trazodon ngay lập tức.
  • Bệnh nhân bị di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, thiếu Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose galactose không nên dùng thuốc này.
  • Để xa tầm tay trẻ em.

Sử dụng cho trẻ em:

  • Không nên dùng trazodon ở trẻ em dưới 18 tuổi. Hành vi tự tử (cố gắng tự tử và lên kế hoạch tự tử) và hành vi thù địch (hung hăng, hành vi chống đối và giận dữ) xuất hiện thường xuyên hơn ở trẻ em dưới 18 tuổi trong một nghiên cứu lâm sàng khi dùng thuốc trầm cảm so với giả dược. Tuy nhiên chưa có thông tin an toàn về ảnh hưởng của thuốc lên sự phát triển, trưởng thành và nhận thức khi dùng lâu dài thuốc trên trẻ em.

Lái xe và vận hành máy móc.

  • Trazodon có ảnh hưởng ít hoặc trung bình lên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Do thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân nên thận trọng với nguy cơ khi lái xe vận hành máy móc cho đến khi chắc chắn không bị buồn ngủ, chóng mặt, trạng thái lẫn lộn, hoặc mờ mắt.

Phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

  • AU TGA pregnancy category: NA
  • US FDA pregnancy category: C

Thời kỳ mang thai:

  • Trazodon không nên sử dụng trong suốt thời kỳ mang thai hoặc chỉ sử dụng khi lợi ích cho mẹ vượt trội nguy cơ trên thai.

Thời kỳ cho con bú:

  • Hàm lượng trazodon qua sữa mẹ thấp. Tuy nhiên hàm lượng chất chuyển hóa qua sữa chưa biết. Nên cân nhắc nguy cơ và lợi ích khi quyết định điều trị cho phụ nữ cho con bú.

Bảo quản

  • Nơi khô ráo, thoáng mát.
Xem thêm
Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.