Rối loạn nhân cách là một dạng rối loạn tâm thần liên quan đến nhận thức về bản thân và thế giới xung quanh. Bệnh gây ra tình trạng đau khổ và suy giảm đáng kể các chức năng xã hội, nghề nghiệp và vai trò của bản thân trong cuộc sống hằng ngày.

Nhân cách là toàn bộ thuộc tính, đặc điểm tâm lý mang tính chất cá nhân, biểu thị bản sắc độc đáo và giá trị xã hội, góp phần phân biệt người này với người khác. Quá trình hình thành nhân cách chịu ảnh hưởng sâu sắc của yếu tố bẩm sinh và yếu tố môi trường sống (gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội).

Rối loạn nhân cách

Sự chia sẻ trong điều trị bệnh rối loạn nhân cách là rất quan trọng

Rối loạn nhân cách là bệnh gì?

Rối loạn nhân cách (Personality Disorder), còn được gọi là nhân cách bệnh, là một nhóm nhiều rối loạn tâm thần có thể tác động sâu sắc đến cảm xúc, suy nghĩ, thái độ, hành động, thế giới quan cùng lối cư xử của bệnh nhân.

Những người bị rối loạn nhân cách thường có một mô hình tư duy và hành xử cứng nhắc, không lành mạnh bất kể tình huống cụ thể. Họ thường khó phân biệt rạch ròi hành vi nào là bất thường và hành vi nào là bình thường. Điều này dẫn đến hàng loạt hạn chế và rắc rối trong các mối quan hệ xã hội của họ.

Trong một số trường hợp, bạn có thể không nhận ra rằng mình bị rối loạn nhân cách vì cách suy nghĩ và hành vi của bạn có vẻ tự nhiên và quen thuộc đối với bạn. Và bạn có thể đổ lỗi cho người khác về những khó khăn trong cuộc sống mà bạn phải đối mặt.

Hiện nay, rối loạn nhân cách đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của khoảng 2,3% dân số thế giới. Bệnh lý thường khởi phát ở độ tuổi vị thành niên và kéo dài đến cuối cuộc đời. Nhìn chung, rối loạn nhân cách chủ yếu gây biến đổi những thuộc tính về mặt tâm lý, ý chí, tinh thần và vẫn duy trì trí tuệ tương đối bình thường.

Các dạng rối loạn nhân cách

Có ba dạng rối loạn nhân cách phổ biến, bao gồm:

  • Rối loạn nhân cách nhóm A (rối loạn nhân cách hoang tưởng, rối loạn nhân cách phân liệt, rối loạn nhân cách thể phân lập) được đặc trưng bởi biểu hiện cực đoan, lãnh cảm, ngờ vực, thiếu quan tâm đến người khác.
  • Rối loạn nhân cách nhóm B (rối loạn nhân cách ái kỷ, rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách kịch tính) được đặc trưng bởi xu hướng kích tính hóa mọi việc, suy nghĩ bốc đồng và có xu hướng bạo lực.
  • Rối loạn nhân cách nhóm C (rối loạn nhân cách phụ thuộc, rối loạn nhân cách tránh né, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế) được đặc trưng bởi cảm giác sợ hãi, lo lắng thái quá về một (hoặc một số) tình huống/vấn đề thường gặp.

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: chấn thương tâm lý thời thơ ấu, trải qua sự kiện đau thương trong quá khứ, mất mát người thân, chấn thương não bộ…

Một số nhà khoa học cho rằng, yếu tố di truyền, sự tác động của môi trường sống và trạng thái mất cân bằng của một số hóa chất bên trong não bộ chính là những nhân tố quan trọng tạo nên sự thay đổi tính cách của bệnh nhân.

Một số tác nhân điển hình góp phần thúc đẩy quá trình hình thành chứng rối loạn nhân cách gồm có:

  • Từng bị bạo hành, lạm dụng thời thơ ấu
  • Đối mặt với những tình huống kinh hoàng trong quá khứ: thất lạc người thân, bị bắt cóc tống tiền, gặp tai nạn giao thông…
  • Gia đình không hạnh phúc
  • Gồng gánh quá nhiều áp lực, kỳ vọng
  • Bị cô lập, bắt nạt, khinh miệt, chỉ trích
  • Môi trường sống thiếu lành mạnh
  • Phụ huynh mắc phải các dạng rối loạn tâm thần hoặc bệnh lý thần kinh
  • Người mẹ gặp vấn đề nào đó khi đang mang thai.
Rối loạn nhân cách

Bệnh nhân bị rối loạn nhân cách có thể tự làm hại bản thân

Những biểu hiện của bệnh rối loạn nhân cách

Các loại rối loạn nhân cách được phân nhóm thành ba nhóm, dấu hiệu cụ thể từng nhóm như sau:

Rối loạn nhân cách nhóm A

Bệnh nhân có xu hướng biểu hiện nhiều hành vi kỳ quái, lập dị và khó kết nối với thế giới xung quanh.

  • Rối loạn nhân cách hoang tưởng: đổ lỗi, đa nghi, thù dai, nhạy cảm trước phản ứng với người khác, cáu gắt, nóng tính, hay tấn công, thích soi mói, không tin tưởng vào lòng trung thành và sự chung thủy, bi quan, suy nghĩ cực đoan, cảm thấy bị đe dọa, luôn cố gắng đề phòng…
  • Rối loạn nhân cách phân liệt: thờ ơ, lạnh lùng với người khác, chỉ thích ở một mình, tránh né các hoạt động xã hội, khó thể hiện cảm xúc, không muốn duy trì và phát triển mối quan hệ, mất cảm hứng với mọi trải nghiệm, không biết cách phản ứng trong những tình huống cảm xúc, ít/không ham muốn tình dục…
  • Rối loạn nhân cách thể phân lập: suy nghĩ, hành động, nói năng khác thường, trải nghiệm những trạng thái kỳ lạ (nghe thấy giọng nói nào đó thầm thì bên tai), phản ứng cảm xúc không phù hợp, lo âu, khó xây dựng mối quan hệ thân thiết, thờ ơ, nghi ngờ người khác, tin tưởng rằng một số sự kiện, tình huống đang truyền tải thông điệp bí ẩn nào đó, cho rằng suy nghĩ của bản thân có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh…

Rối loạn nhân cách nhóm B

Bệnh nhân thường biểu hiện những hành vi bốc đồng, thất thường, kịch tính, đe dọa và khá đáng lo ngại.

  • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: nói dối, thao túng, đe dọa, hành động bạo lực, làm mọi việc theo ý mình, luôn tin rằng bản thân đúng đắn, xem nhẹ cảm xúc, suy nghĩ, quyết định của người khác, hành động không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, không cảm thấy hối lỗi…
  • Rối loạn nhân cách ranh giới: sợ ở một mình, ám ảnh về sự trống rỗng, lo lắng rằng bản thân sẽ bị bỏ rơi một cách thái quá, hoang tưởng, suy nghĩ xa rời thực tế, cảm giác vô dụng, cảm xúc thay đổi nhanh chóng, tính khí thất thường, tâm trạng không ổn định, hành động bốc đồng, làm hại bản thân (thậm chí tự tử)…
  • Rối loạn nhân cách kịch tính: nhạy cảm, khó chịu, thích chỉ trích, phê phán, nói dối, nói lớn, nói nhiều, kịch tính hóa vấn đề, làm quá mọi chuyện, thiếu kiên nhẫn, không có khả năng chờ đợi, tìm cách thu hút sự chú ý của mọi người, trở nên cáu giận, bực tức và có xu hướng trả thù nếu không đạt được điều mình mong muốn, ăn mặc lố bịch, kỳ dị, khiêu khích tình dục hòng nhận được sự chú ý của người khác (trong khi bản thân chưa chắc đã thực sự có hứng thú), cho rằng mình chính là trung tâm của mọi sự chú ý, chỉ quan tâm đến bản thân mà không để ý tới những người xung quanh…
  • Rối loạn ái kỷ: yêu thương bản thân thái quá, nghĩ rằng mình quá cao quý, sang trọng và đẳng cấp, thích khoe khoang, phóng đại về thành tích của bản thân, có xu hướng kết giao với những người giỏi giang, giàu có, luôn đặt nhu cầu của mình lên hàng đầu, không quan tâm mọi thứ xung quanh, thiếu đồng cảm với người khác, tự mãn, cố gắng chứng tỏ, đưa ra lời khuyên đầy tính triết lý với những từ ngữ đao to búa lớn, thích chụp ảnh tự sướng, dành quá nhiều thời gian soi gương, ghét phải chờ đợi…

Rối loạn nhân cách nhóm C

Bệnh nhân lo lắng, sợ hãi, miễn cưỡng tiếp xúc và không muốn giao lưu với thế giới xung quanh.

  • Rối loạn nhân cách tránh né: ngại ngùng, rụt rè, tự ti, mặc cảm, đánh giá thấp bản thân, luôn cảm thấy yếu kém, nhạy cảm trước sự chỉ trích, hay phóng đại lý do hoặc cố tình nói dối để từ chối tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí chốn đông người, không dám dấn thân vì sợ rủi ro, dè dặt trong những mối quan hệ cá nhân, cô lập xã hội…
  • Rối loạn nhân cách phụ thuộc: sợ ở một mình, quá phụ thuộc vào người khác, mong muốn được che chở, không tin tưởng vào bản thân, dễ bị ảnh hưởng bởi hành động, lời nói của những người xung quanh, thường phục tùng kẻ khác nếu họ chấp nhận bảo vệ mình, ám ảnh triền miên về việc bị bỏ rơi…
  • Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế: cầu toàn, ám ảnh dai dẳng về sự ngăn nắp, sạch sẽ, trật tự, cực kỳ chú trọng tiểu tiết, quá cứng nhắc, quy củ (đến nỗi khiến người khác khó chịu), thiếu linh hoạt, khao khát giành quyền kiểm soát trong mọi tình huống…

Những ảnh hưởng xấu mà bệnh có thể gây ra

Rối loạn nhân cách có thể làm gián đoạn đáng kể cuộc sống của cả người bệnh và những người quan tâm đến người đó. Rối loạn nhân cách có thể gây ra các vấn đề với các mối quan hệ, công việc hoặc trường học, và có thể dẫn đến cô lập xã hội.

Những hệ lụy phức tạp, khó lường khác như: hành động bốc đồng, ngược đãi trẻ em, quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng rượu bia và chất kích thích, đe dọa bạo lực, xâm hại tình dục, vi phạm pháp luật, lo lắng, trầm cảm, rối loạn ăn uống, làm hại bản thân, tự tử…

Phương pháp điều trị rối loạn nhân cách

Phương pháp được sử dụng phổ biến cho người bị rối loạn nhân cách là liệu pháp tâm lý kết hợp với thuốc.

Trị liệu tâm lý

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị rối loạn nhân cách hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay. Khi tham gia trị liệu tâm lý, người bệnh có thể chia sẻ với chuyên gia tâm lý về mọi vấn đề vướng mắc trong cuộc sống khiến bạn bị lo âu, áp lực, trầm cảm hoặc rối loạn nhân cách.

Những phương pháp trị liệu rối loạn nhân cách phổ biến thường được ứng dụng như:

  • Phương pháp nhận thức – hành vi là sự kết hợp hài hòa của liệu pháp nhận thức và liệu pháp hành vi. Cách làm này giúp xác định những niềm tin, cảm xúc, suy nghĩ, hành vi không lành mạnh, đồng thời thay thế chúng bằng những niềm tin, cảm xúc, suy nghĩ, hành vi lành mạnh hơn.
  • Phương pháp biện chứng hành vi hướng dẫn người bệnh hàng loạt kỹ năng quan trọng trong việc đối mặt với căng thẳng, điều hòa cảm xúc và cải thiện chất lượng các mối quan hệ.
  • Phương pháp psychodynamic tâm lý chú trọng nâng cao nhận thức của người bệnh về những suy nghĩ, hành vi vô thức, từ đó phát triển những hiểu biết đúng đắn về nền tảng động lực cũng như tìm cách giải quyết mâu thuẫn nhằm hướng đến cuộc sống hạnh phúc hơn.
  • Phương pháp psychoeducation tập trung truyền đạt đến người bệnh và người thân các thông tin khách quan, hữu ích về phương pháp chữa bệnh cùng chiến lược tháo gỡ và giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Dùng thuốc điều trị

Hiện nay, tuy chưa có bất cứ loại thuốc nào được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông qua trong công tác điều trị rối loạn nhân cách.

Tuy nhiên có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị các triệu chứng cụ thể như trầm cảm, lo âu,… Bác sĩ có thể kê đơn ngoài cho bạn bằng các loại thuốc sau:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc chống lo âu (trừ những người bị rối loạn nhân cách nhất định)
  • Bộ ổn định tâm trạng

Những lưu ý trong quá trình điều trị bệnh

  • Uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý ngưng thuốc đột ngột
  • Kiên trì theo đuổi phác đồ điều trị
  • Kiêng cữ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích
  • Luyện tập thể dục đều đặn
  • Viết nhật ký mỗi ngày để trải lòng về những cảm xúc, suy nghĩ và tâm trạng của bản thân
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ dưỡng chất
  • Làm việc điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, duy trì tinh thần lạc quan, hạn chế căng thẳng, áp lực
  • Kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần định kỳ.

Rối loạn nhân cách có nhiều thể dạng khác nhau và thường bị nhầm lẫn với các dạng rối loạn tâm thần khác. Vì vậy, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bạn hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng hướng.