Rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hệ tiêu hóa còn non yếu nên trẻ dễ gặp các vấn đề rối loạn tiêu hóa với những biểu hiện như nôn trớ, đầy bụng, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Trẻ bị khó chịu khi gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa

Bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Rối loạn tiêu hóa là các vấn đề thay đổi bất thường của cơ vòng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi căn bệnh rối loạn tiêu hóa xuất hiện, lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể bị thiếu hụt đáng kể. Hậu quả là khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất và trí não, suy giảm hệ miễn dịch. Về sau, trẻ dễ tái phát rối loạn tiêu hóa khi có các tác nhân từ môi trường tấn công vào bộ máy tiêu hóa.

Giai đoạn trẻ còn nhỏ là giai đoạn mà hệ tiêu hóa cần một nguồn dinh dưỡng ổn định để duy trì, phát triển và bảo vệ sức khỏe cho cơ thể. Nếu không may trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đồng nghĩa với việc cơ thể trẻ lúc này bị thiếu hụt một lượng dinh dưỡng nhất định.

Nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ

  • Trẻ trong độ tuổi từ 0 cho đến 6 tuổi, sức đề kháng lẫn hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… Đây chính là nhân tố gây nên các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
  • Kháng sinh có thể là nguyên nhân khiến cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Khi kháng sinh đi vào cơ thể, chúng không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng sinh thái đường ruột, dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa.
  • Trẻ có thể bị rối loạn khi sống ở một môi trường có chất lượng vệ sinh kém từ nguồn nước ô nhiễm cho đến nguồn thực phẩm.
  • Các biến chứng từ các bệnh khác như viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản… có thể gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Một khi mắc những bệnh này, trẻ thường bị tiết ra đờm chứa vi khuẩn, thay vì khạc nhổ ra ngoài, trẻ lại nuốt dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa.
  • Rối loạn tiêu hóa còn xảy ra ở trẻ có chế độ ăn không hợp lý. Những thực phẩm nhiều dầu mỡ, bánh kẹo ngọt, lạp xưởng, xúc xích và những đồ uống có ga, nước ngọt. Đây đều là những loại thực phẩm không tốt cho cơ thể của trẻ đặc biệt là đối với hệ tiêu hóa.

Những triệu chứng của bệnh

Nôn trớ

Nôn trớ là hiện tượng đẩy ngược các chất trong dạ dày qua miệng dưới tác động gắng sức của cơ thể. Nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gồm: bú quá no, các cữ bú quá gần nhau, mới đổi loại sữa mới, lỗ núm vú cao su quá to hoặc quá nhỏ, nằm bú không đúng tư thế.

Đây là tình trạng hay gặp đối với trẻ nhỏ khi đường tiêu hóa chưa hoàn thiện. Tuy nhiên tình trạng này sẽ hết khi cấu trúc hệ tiêu hóa của trẻ dần hoàn thiện.

Ngoài nôn trớ sinh lý, các dị dạng đường tiêu hóa như teo tắc ruột, teo thực quản, phình đại tràng bẩm sinh,… cũng là nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Táo bón

Biểu hiện của táo bón là trẻ đi ngoài không thường xuyên, 2 – 3 ngày mới đi một lần, phân khô rắn, đóng khuôn, cứng như sỏi hoặc to, rắn, bụng bị cứng, có cảm giác đau, mót đi cầu nhưng không đi được,… Hậu quả của táo bón là khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, đau bụng, hay nôn trớ và quấy khóc.

Nguyên nhân của tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là do bé ăn chưa đủ lượng, pha sữa quá đặc, người mẹ đang cho con bú cũng bị táo bón, bé ăn ít chất xơ, không ăn rau quả,… Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ. Nhiều trẻ mới đi học thường nhịn đại tiện vì nhiều lý do, khiến đại tràng to dần, phân tích nhiều ngày mới đủ kích thước đại tràng để gây phản xạ đi tiêu.

Đi ngoài phân sống

Sự mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong ruột là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi ngoài phân sống. Thông thường đường ruột của người bình thường có một hệ vi sinh vật sống cộng sinh với 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn, nó giúp cho quá trình tiêu hóa cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng và thải trừ chất độc hại diễn ra bình thường.

Ngược lại, một khi tỷ lệ trên thay đổi, đồng nghĩa với việc các vi khuẩn có lợi giảm xuống, các vi khuẩn có hại tăng lên, gây nên tình trạng loạn khuẩn đường ruột với các triệu chứng thường gặp, như: đi ngoài phân lỏng, phân sống, đôi khi có lẫn chất nhầy, có thể kèm theo đầy bụng.

Tiêu chảy

Tiêu chảy cũng là một dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Biểu hiện của tình trạng này là trẻ đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày, kéo dài không quá 14 ngày, bé mệt mỏi, kém ăn, đột ngột nôn trớ. Số khác, trẻ có thể bị trướng bụng, sốt, phân có chất nhầy, có máu,…

Những nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là: do người mẹ uống thuốc hoặc dùng thức ăn nhuận tràng, nhiễm khuẩn đường ruột, dị ứng sữa, kém hấp thụ dưỡng chất,… Căn bệnh này gây suy dinh dưỡng, thậm chí gây tử vong do tình trạng mất nước, điện giải, nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra trẻ còn có thể gặp các tình trạng như:

  • Bú kém: Trong một thời gian dài, trẻ bú không đủ lượng cần thiết do nôn trớ, tiêu chảy, bệnh lý thần kinh trung ương, suy giáp, nhiễm trùng đường ruột,… Cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương án điều trị phù hợp cho con;
  • Đau bụng: Trẻ khóc nhiều, mặt đỏ hoặc tái, trướng bụng, chân co lên bụng, bàn tay nắm chặt,… Hiện tượng đau bụng ở trẻ có thể do đói, bú quá no hoặc bị lồng ruột, thoát vị bẹn,… Tùy từng nguyên nhân sẽ có cách xử trí tương ứng.
Bổ sung những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ

Làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, sinh hoạt thường ngày và sự phát triển của trẻ. Vì vậy, cần điều trị càng sớm càng tốt các biểu hiện của bệnh để giúp hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh. Ba mẹ hãy áp dụng những biện pháp dưới đây:

Đảm bảo vệ sinh thực phẩm

Vấn đề vệ sinh thực phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu trong chế độ ăn uống của trẻ nhỏ. Ba mẹ cần lựa chọn thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh, không chứa hóa chất bảo vệ thực vật và rửa sạch sẽ trước khi chế biến đồ ăn cho trẻ.

Bên cạnh đó, ba mẹ cần sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn cho con. Đồ ăn của trẻ cần được nấu kỹ, cho bé ăn chín uống sôi, không cho con ăn đồ sống, tái, thức ăn để lâu ngày…

Cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt nên ba mẹ hãy chế biến thức ăn mềm hơn so với người lớn để dễ tiêu hóa. Những món ăn như cháo, súp, thịt hầm… sẽ rất tốt cho đường ruột của bé, vừa dễ tiêu lại dễ hấp thu dinh dưỡng.

Chia nhỏ bữa ăn

Vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên chúng khó để tiêu hóa hết một lượng thức ăn lớn. Vì vậy, hãy chia nhỏ bữa ăn của trẻ. Ngoài 3 bữa chính, nên cho bé ăn thêm các bữa phụ bằng hoa quả, sữa, sữa chua… để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ phát triển và tránh gây áp lực lớn lên hệ tiêu hóa nếu chỉ ăn thật nhiều vào 3 bữa chính.

Tăng cường thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa

Trong chế độ ăn hằng ngày, ba mẹ nên bổ sung những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của bé như sữa chua, rau xanh, trái cây, các loại men vi sinh… Bổ sung đầy đủ những thực phẩm này giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh hơn, làm việc trơn tru hơn.

Rèn luyện thể chất

Ngoài những lưu ý trong ăn uống, ba mẹ cũng nên cho bé vận động và rèn luyện thể chất để nâng cao sức khỏe và tăng cường đề kháng. Vận động giúp trẻ khỏe khoắn và cũng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Bổ sung men vi sinh

Mẹ có thể lựa chọn men vi sinh bổ sung bào tử lợi khuẩn và nấm men cùng các vi chất dinh dưỡng, giúp lập lại cân bằng hệ vi sinh, nhờ vậy bụng trẻ sẽ luôn khỏe mạnh để vững vàng đối phó với các vấn đề của rối loạn tiêu hóa, từ đó trẻ ăn ngon tự nhiên, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.

Bạn có thể tham khảo các sản phẩm bổ sung cho trẻ ăn ngon hơn, hỗ trợ tiêu hóa tại đây

Khi thấy trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài và có biểu hiện như nôn trớ, táo bón, tiêu chảy, đau bụng,… phụ huynh nên đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, thuốc đau bụng hay thuốc tiêu chảy, táo bón mà không thông qua chỉ định của bác sĩ vì có thể khiến bệnh nặng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé về sau.

Add comment