Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến thường xuất hiện vào tháng 7 tới 11. Bệnh cần được điều trị sớm nếu không sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mất mạng.
Sốt xuất huyết là bệnh gì?
Sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây ra. Nguyên nhân gây sốt xuất huyết chủ yếu do virus Dengue lây truyền từ muỗi vằn. Loại vi rút này có 4 chủng huyết thanh bao gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm 1 đến 4 chủng vi rút và có khả năng tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Mỗi năm, trên thế giới có hàng triệu ca nhiễm virus Dengue.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách, theo dõi triệu chứng thường xuyên. Nếu chậm trễ có thể chuyển biến thành sốt xuất huyết Dengue gây chảy máu nghiêm trọng, giảm huyết áp đột ngột và thậm chí là sốc sốt xuất huyết và dẫn đến tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết được chia ra 2 nhóm:
Sốt xuất huyết thể nhẹ
Sốt xuất huyết thể nhẹ là khi người bệnh bị nhiễm vi rút Dengue nhưng không bị các biến chứng nặng. Sốt xuất huyết thể nhẹ có thể tự điều trị như 1 bệnh sốt thường tại nhà. Tuy nhiên, khi người bệnh bị sốt xuất huyết ở thể nhẹ vẫn có khả năng chuyển sang thể nặng do chăm sóc sai cách.
Sốt xuất huyết thể nặng
Sốt xuất huyết thể nặng do liên quan đến chảy máu hay rò rỉ huyết tương nghiêm trọng, rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể. Có thể hiểu rằng sốt xuất huyết thể nặng là khi tình trạng bệnh trở nặng gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh
Người nhiễm virus dengue do muỗi cái thuộc chi Aedes đốt. Muỗi Aedes aegypti là véc tơ truyền bệnh chủ yếu ở hầu hết các khu vực bệnh lưu hành. Muỗi Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Khi muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Trong khoảng thời gian sống còn lại sau đó, muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người. Khi virus vào cơ thể người, chúng tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu muỗi Aedes hút máu thì virus được truyền cho muỗi.
Sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm tháng 3 – tháng 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên muỗi vằn sinh sản rất nhiều. Hai khoảng thời gian này cũng chính là thời điểm bùng phát mạnh mẽ dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc. Còn ở miền Nam, bất kỳ thời gian nào cũng có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết do sự phân bố dày đặc của muỗi vằn.
Các giai đoạn của bệnh
Giai đoạn 1: Ủ bệnh
Giai đoạn ủ bệnh sẽ có thời gian kéo dài trung bình từ khoảng 4 – 7 ngày. Tùy theo cơ địa và khả năng miễn dịch của từng người mà virus Dengue sẽ nhân số lượng lên dần dần, khi đủ số lượng sẽ dẫn đến biểu hiện cụ thể và bệnh chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2: Sốt Dengue
Khoảng 2 – 7 ngày là thời gian kéo dài của giai đoạn sốt Dengue và đi kèm dấu hiệu tương tự như cảm cúm. Giai đoạn sốt Dengue không nguy hiểm nhưng có thể xuất hiện những triệu chứng khó chịu như nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, buồn nôn… đặc biệt sẽ bị sốt cao từ 39 đến 40 độ C.
Giai đoạn 3: Nguy hiểm
Đa số người bệnh sẽ không không còn sốt trong giai đoạn 3, tuy nhiên đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, mang tính quyết định xem bệnh có diễn biến trầm trọng hay không?
Virus Dengue đã khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu đi rất nhiều ở giai đoạn 3 nên số lượng bạch cầu, tiểu cầu giảm đi đáng kể, khả năng đề kháng của người bệnh bị ảnh hưởng. Vậy nên người bệnh cần có sự theo dõi và thăm khám hàng ngày từ bác sĩ.
Giai đoạn 4: Phục hồi
Sau khi vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, cơ thể của người bệnh sẽ phục hồi dần dần, nhịp tim và huyết động ổn định, đi tiểu nhiều, cảm giác khát nước và thèm ăn.
Những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ
Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Các triệu chứng phổ biến nhất của sốt xuất huyết thể nhẹ bao gồm: Sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương, buồn nôn, đau xương khớp,…
Người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ kéo dài các triệu chứng từ 4 – 7 ngày. Nếu sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần kể từ khi sốt.
Triệu chứng sốt xuất huyết thể nặng
Khi bị sốt xuất huyết thể nặng người bệnh sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ cộng thêm các triệu chứng dưới đây.
- Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da.
- Chảy máu mũi hoặc ở chân răng.
- Nôi ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng).
- Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm.
- Người mệt mỏi li bì, choáng.
Khi người bệnh không may chuyển biến sang sốt xuất huyết thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.
Thể sốt xuất huyết gây xuất huyết nội tạng
Triệu chứng sốt xuất huyết nội tạng sẽ bao gồm xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não.
Khi bị xuất huyết đường tiêu hóa, người bệnh sẽ bị đau đầu bình thường và sốt nhẹ, phát ban không xảy ra. Khoảng 2 ngày sau, người bệnh sẽ đi ngoài ra máu, phân màu đen hoặc đi ngoài ra máu tươi, xuất hiện các chấm xuất huyết trên da, người mệt mỏi, da tái xanh…
Rất khó nhận biết trường hợp xuất huyết não vì triệu chứng sốt xuất huyết sẽ không rõ ràng, người bệnh có thể chỉ bị sốt, đau đầu, tay chân tê liệt hoặc liệt nửa người, hôn mê và dẫn đến tử vong.
Biểu hiện sốt xuất huyết Dengue (hội chứng sốc Dengue)
Thể bệnh sốt xuất huyết Dengue bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ, kèm theo triệu chứng chảy máu, huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt, hạ huyết áp…
Đây được coi là thể bệnh nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, xảy ra ở người bệnh trong lần nhiễm bệnh sau, khi cơ thể đã có miễn dịch chủ động hoặc thụ động với một loại kháng nguyên virus. Bệnh sẽ tiến triển nặng hơn sau khoảng 2 – 5 ngày và gây tử vong nhanh chóng.
Biến chứng sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết thể nặng người bệnh nếu không được chăm sóc kỹ sẽ gây ra các biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thậm chí tử vong. Các biến chứng do sốt xuất huyết gây ra mà người bệnh có thể đối mặt:
- Sốc do mất máu hoặc bị thoát huyết tương, tình trạng kéo dài có thể gây ra phù não và các hội chứng về thần kinh dẫn đến hôn mê.
- Viêm đường hô hấp, viêm phổi hoặc phù phổi do thoát huyết tương gây ra tình trạng tràn huyết tương đến đường hô hấp.
- Xuất huyết não do mất máu và thoát huyết tương dẫn đến việc tụt huyết áp đột ngột.
- Suy tim, suy thận: Xuất huyết khiến máu chảy liên tục khiến tim không đủ tuần hoàn cộng với việc thoát huyết tương khiến màng tim bị tràn dịch ứ đọng. Đồng thời, thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương, nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp.
- Mù đột ngộ do bị xuất huyết võng mạc khiến thị lực giảm hoặc gây xuất huyết trong dịch kính mắt khiến người bệnh gần như mù mắt.
- Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Với phụ nữ mang thai khi bị sốt xuất huyết có thể sốt cao, tim thai đập nhanh. Nếu người bệnh chuyển biến bệnh nặng có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến xuất huyết. Nếu như bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ đe dọa thai nhi.
Điều trị sốt xuất huyết
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà có phác đồ điều trị phù hợp.
Việc điều trị sốt xuất huyết phải tuân theo phác đồ điều trị chuẩn. Khi xác định dương tính với sốt xuất huyết, người bệnh sẽ được kê đơn điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị nội trú tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
- Giai đoạn điều trị sốt xuất huyết ở nhà: Khi phát hiện biểu hiện sốt từ 2 – 7 ngày, người bệnh có thể điều trị ở nhà và biện pháp điều trị duy nhất là bù nước cho người bệnh. Trong thời gian này, bác sĩ có thể kê một số thuốc để giảm sốt như Paracetamol (Tylenol®, Panadol®).
- Giai đoạn nhập viện thời gian ngắn (12-24 giờ): Cần phải đưa người bệnh nhập viện ngay khi biện pháp bù nước bằng đường uống không mang lại kết quả và người bệnh xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc.
- Giai đoạn nhập viện thời gian dài (>24 giờ): Bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải nhập viện điều trị ngay khi có biểu hiện chân tay lạnh, sốt li bì, mạch yếu, viêm họng, khó thở…
Lưu ý: Tuyệt đối không cho người bệnh uống Aspirin, Analgin, Ibuprofen, vì thuốc này có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng do xuất huyết hoặc toan máu.
Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Muỗi vằn chính là nguồn lây bệnh trung gian và cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt muỗi tận gốc, khi đó nguy cơ bùng phát dịch sẽ giảm đi đáng kể.
- Vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ.
- Không nên trữ nước trong nhà.
- Tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.
- Phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.
Mỗi người cần chủ động tự giác phòng ngừa bệnh, loại bỏ muỗi vằn xung quanh gia đình, đồng thời phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị bệnh kịp thời.
Add comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.