Suy thận cấp là hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân, có thể là nguyên nhân ngoài thận hoặc tại thận, làm suy sụp và mất chức năng tạm thời, cấp tính của cả hai thận, do ngừng hoặc suy giảm nhanh chóng mức lọc cầu thận.

Suy thận cấp: Nguyên nhân và cách điều trị

Suy thận cấp tiến triển nhanh nếu không can thiệp sớm

Suy thận cấp là bệnh gì?

Suy thận cấp (hay tổn thương thận cấp) là tình trạng suy giảm cấp tính độ lọc cầu thận trong vài giờ đến vài ngày khiến cho các chất điện giải, chất thải dư thừa không được đào thải ra khỏi máu. Bệnh có thể xảy ra ở người trước đó có chức năng thận bình thường hoặc người có bệnh thận mạn.

Tình trạng này khiến các chất độc tích tụ trong cơ thể và gây nguy hiểm đến tính mạng, nếu người bệnh có thêm một số bệnh lý kèm theo như tim mạch, phổi… Tuy nhiên, bệnh nhân có khả năng phục hồi hoàn toàn, nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ.

Nguyên nhân gây suy thận cấp

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy thận cấp tính. Tuy nhiên, có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân trước thận, nguyên nhân tại thận, nguyên nhân sau thận. Trong đó:

Nguyên nhân trước thận

Bao gồm những tác nhân làm giảm dòng máu hiệu dụng tới thận, gây giảm áp lực lọc cầu thận dẫn tới tình trạng thiểu niệu hay vô niệu:

  • Sốc do giảm thể tích: Do chảy máu và mất nước quá nhiều.
  • Sốc do tim: Tình trạng nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim hoặc loạn nhịp tim.
  • Sốc do nhiễm khuẩn: Tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn máu, nhiễm khuẩn tử cung hay bệnh viêm tụy cấp.
  • Sốc phản vệ.
  • Sốc do chấn thương chảy máu nghiêm trọng.
  • Sốc do tình trạng tan máu cấp dẫn tới tắc ống thận.
  • Tình trạng nhiễm khuẩn do phá thai, sẩy thai hay sản giật.

Nguyên nhân tại thận

Bao gồm những nguyên nhân gây tổn thương thực thể tại thận, nói một cách dễ hiểu là do các bệnh lý ở thận gây ra:

  • Bệnh cầu thận: Gây ra tình trạng viêm các mạch máu bên trong thận dẫn tới các bệnh mạch máu hệ thống, gây xơ cứng bì, tăng huyết áp, đông máu trong lòng mạch,…
  • Bệnh mô kẽ thận: Những vi khuẩn xâm nhập vào mô kẽ thận gây viêm và dẫn tới tình trạng suy thận cấp.
  • Bệnh ống thận: Có thể do thận bị nhiễm độc bởi một số tác nhân như thuốc gây mê, chất cản quang đường tĩnh mạch, kim loại nặng, nọc độc ong, nọc độc rắn, một số loại thuốc thảo mộc,…

Nguyên nhân sau thận

Là các nguyên nhân gây tắc đường dẫn tiểu của thận, có thể kể đến như:

  • Tắc ống thận.
  • Tắc nghẽn tại thận do những  cục máu đông, các loại sỏi hoặc tình trạng hoại tử nhú.
  • Tắc niệu quản do có sỏi hoặc do bị chèn ép từ các cơ quan bên cạnh, chẳng hạn như u tử cung, u niệu đạo, u bàng quang,…
  • Tắc niệu đạo: do tình trạng co thắt niệu đạo hoặc những bệnh lý về tuyến tiền liệt hay cũng có thể là các khối u bàng quang gây ra.

Những triệu chứng của bệnh

Suy thận cấp tính có thể xuất hiện một cách rất đột ngột và các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm:

  • Giảm lượng nước tiểu bất thường
  • Xuất hiện tình trạng giữ nước, gây sưng phù ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Đau hoặc tức ngực, khó thở
  • Mệt mỏi, yếu ớt
  • Buồn nôn, nôn
  • Nhịp tim không đều
  • Co giật hoặc hôn mê trong trường hợp nghiêm trọng

Một số triệu chứng khác bao gồm:

  • Phân có máu
  • Hơi thở có mùi
  • Đi đứng chậm chạp
  • Sưng phù toàn thân
  • Đau giữa xương sườn và hông
  • Dễ bị bầm tím
  • Thay đổi tâm trạng, nhất là ở người lớn tuổi
  • Chán ăn
  • Giảm cảm giác ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Chảy máu kéo dài
  • Cao huyết áp
  • Có vị kim loại trong miệng
Suy thận cấp

Suy thận cấp khiến cơ thể bạn bị sưng, phù lên

Suy thận cấp có nguy hiểm không?

Suy thận cấp có thể diễn ra rất nhanh, chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày. Suy thận cấp có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thờì.

Nếu phát hiện và điều trị muộn, bệnh nhân xuất hiện các biến chứng trong suy thận cấp sẽ làm tiên lượng người bệnh xấu đi nhiều. Theo báo cáo của Hội Lọc máu và Ghép thận Châu Âu (EDTA) thì tỉ lệ tử vong chỉ 8% nếu chỉ tổn thương thận đơn độc, nhưng tỉ lệ tử vong tăng lên 65 – 76% nếu thêm một hoặc nhiều hơn các cơ quan khác bị tổn thương (Bullock và Kindle 1985) đặc biệt là tổn thương phổi, người bệnh phải hô hấp bằng máy, biến chứng tim mạch, biến chứng nhiễm khuẩn huyết.

Phương pháp điều trị suy thận cấp

Mục tiêu điều trị suy thận cấp là bảo vệ tính mạng người bệnh, phòng ngừa tử vong, tạo điều kiện thuận lợi cho thận hồi phục, giảm tối thiểu nguy cơ diễn tiến thành bệnh thận mạn. Cụ thể, các phương pháp điều trị suy thận cấp tùy theo nguyên nhân gây bệnh như sau:

Điều trị suy thận cấp trước thận

Suy thận cấp trước thận hầu hết do các bệnh ngoài thận gây ra. Có thể chia suy thận trước thận ra làm các nhóm:

  • Giảm thể tích tuần hoàn: Bác sĩ sẽ tìm và điều trị nguyên nhân gây giảm thể tích tuần hoàn. Trong trường hợp không có choáng mất máu, người bệnh sẽ được dùng dung dịch tinh thể và đánh giá hiệu quả theo các chỉ số quy định.
  • Giảm cung lượng tim: Nếu người bệnh bị suy thận cấp do giảm cung lượng tim, việc điều trị sẽ bắt đầu từ các bệnh nền như suy tim ứ huyết, chèn ép tim cấp, nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc động mạch phổi…
  • Giảm kháng mạch hệ thống: Bác sĩ tiến hành điều trị nhiễm trùng huyết, xơ gan mất bù… cho người bệnh suy thận cấp tính do nguyên nhân giảm kháng mạch hệ thống để khôi phục sức khỏe cho thận.

Điều trị suy thận cấp tại thận

Hoại tử ống thận cấp là do có tình trạng thiếu máu đến toàn thận hay cục bộ. Những bệnh lý suy thận cấp trước thận trầm trọng và kéo dài là nguyên nhân hàng đầu. Ngoài ra, hoại tử ống thận cấp còn do độc chất tác dụng trực tiếp lên tế bào ống thận như: kháng sinh nhóm aminoglycosides, amphotericine B, Pentamidine, kim loại nặng, cyclosporine, thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch… hay do các sắc tố gây độc ống thận, viêm thận mô kẽ dị ứng…

Điều trị giai đoạn khởi đầu

  • Nếu do nguyên nhân độc chất, người bệnh được chỉ định ngưng ngay hoặc giảm liều với các thuốc không thể ngưng đột ngột. Nếu do thiếu máu thì bù hoàn dịch, máu, điện giải để phục vụ cho mục tiêu hàng đầu là cải thiện tưới máu thận.

Điều trị bằng một số loại thuốc chữa suy thận như thuốc lợi tiểu, Dopamine liều thấp, Fenoldopam…

Điều trị hoại tử ống thận cấp giai đoạn thiểu niệu – vô niệu

  • Giải quyết các hậu quả và biến chứng của suy thận cấp. Quan trọng nhất là cân bằng nước – điện giải, kiềm toan và biến dưỡng.

Lọc máu trong suy thận cấp

  • Chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng đều có hiệu quả như nhau trong việc điều trị suy thận cấp tính. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo sẽ được chọn lựa trong các trường hợp quá khẩn cấp như phù phổi cấp, tăng kali máu, rung thất….

Chạy thận nhân tạo

  • Chạy thận nhân tạo là phương pháp dùng máy đặt bên ngoài cơ thể tạo ra một vòng tuần hoàn dẫn máu chứa nhiều chất điện giải, chất thải qua bộ lọc và trả máu sạch trở lại cho người bệnh.

Lọc màng bụng

  • Lọc màng bụng còn có tên gọi khác là thẩm phân phúc mạc. Khác với chạy thận nhân tạo, phương pháp lọc màng bụng dùng chính niêm mạc vùng bụng của người bệnh để đào thải chất độc ra khỏi máu.

Phòng ngừa bệnh

  • Có lối sống lành mạnh khoa học: Ăn uống đủ chất, hạn chế muối, hạn chế chất béo, uống đủ nước hàng ngày, tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, kiêng thuốc lá.
  • Khám sức khỏe định kỳ, hoặc đi khám khi bản thân có các dấu hiệu bất sức khỏe bất thường, việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp thận phục hồi được hoàn toàn.
  • Điều trị tốt các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, u xơ tuyến tiền liệt,… các bệnh lý này có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận, do đó kiểm soát tốt các bệnh mạn tính là cách giúp phòng ngừa bệnh thận.
  • Sử dụng các thuốc đúng liều lượng, hướng dẫn của nhân viên y tế.

Ở các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh thận từ trước, có bệnh mạn tính kèm theo như đái đường, suy gan, tăng huyết áp, suy đa tạng, chấn thương.. khi bị suy thận cấp, tiên lượng bệnh sẽ nặng và khó điều trị hơn. Do đó, trước khi phẫu thuật cần phải dự phòng suy thận cấp cho bệnh nhân, bù đủ dịch và kiểm soát tốt huyết áp khi phẫu thuật.