Viêm gan C: nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị

Bệnh viêm gan C là bệnh truyền nhiễm siêu vi gây viêm gan. Bệnh phổ biến và nguy hiểm nhưng thường phát hiện khi bệnh đã trở nặng.

Viêm gan C: nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị
Viêm gan C bệnh diễn biến âm thầm đên khi trở nặng

Viêm gan C là bệnh gì?

Viêm gan C là tình trạng nhiễm trùng gan do siêu vi viêm gan C (HCV) gây ra. Bệnh khiến các tế bào gan bị viêm, gây rối loạn chức năng gan. Theo thời gian, tình trạng viêm trong mô gan có thể hình thành các tổn thương xơ chai vĩnh viễn, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.

Virus có thể lây truyền khi máu của người nhiễm virus viêm gan C xâm nhập vào cơ thể của người chưa bị nhiễm. Khoảng 70-80% những người bị viêm gan siêu vi C mà không có bất cứ biểu hiện nào.

Cùng với viêm gan A, B, D, E, viêm gan C là 1 trong 5 căn bệnh truyền nhiễm về gan nguy hiểm nhất hiện nay, thuộc danh sách Top 10 căn bệnh nhiễm trùng gây nguy cơ tử vong cao nhất trên thế giới.

Viêm gan C có thể ở dạng cấp tính hoặc mãn tính:

  • Viêm gan C cấp tính là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn, kéo dài trong vòng 6 tháng sau khi virus xâm nhập vào cơ thể. Có khoảng 15 – 25% trường hợp nhiễm virus C tự khỏi hẳn, không cần điều trị đặc hiệu nào. Tuy nhiên, đa số trường hợp viêm gan cấp tính đều dẫn đến mãn tính.
  • Viêm gan C mãn tính là tình trạng nhiễm trùng kéo dài trên 6 tháng. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tồn tại suốt đời và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm suy chức năng gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, toàn cầu hiện có khoảng 71 triệu người đang bị nhiễm virus viêm gan C mãn tính.

Con đường lây bệnh của viêm gan C

Vi-rút viêm gan C là một loại vi-rút lây truyền qua đường máu. Nó thường được truyền qua:

  • Tiêm chích ma túy thông qua việc dùng chung kim tiêm
  • Tái sử dụng mà không khử trùng đúng cách các thiết bị y tế đặc biệt là ống tiêm và kim tiêm
  • Truyền máu không qua sàng lọc
  • Quan hệ tình dục (khác giới và kể cả đồng giới) không có bảo vệ với nhiều bạn tình hoặc với bạn tình không rõ tình trạng mắc bệnh, không có miễn dịch có nguy cơ cao khi chảy máu, trầy xước
  • HCV cũng có thể lây truyền từ người mẹ bị nhiễm sang con
  • Viêm gan C không lây lan qua sữa mẹ, thức ăn, nước hoặc tiếp xúc thông thường như ôm, hôn và chia sẻ thức ăn hoặc đồ uống với người bị nhiễm bệnh.

Viêm gan C có thể lây từ mẹ sang con, tuy nhiên khả năng lây nhiễm không cao (khoảng 4 – 8%). Nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên nếu người mẹ có tải lượng virus viêm gan C cao hoặc đồng nhiễm HIV.
Mẹ bị mắc viêm gan C không làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, viêm gan C có thể tiến triển nặng đe dọa đến sự an toàn của cả mẹ và con.

Do đó, trong trường hợp nghi ngờ bản thân nhiễm HCV khi đang mang thai, mẹ bầu cần đến các bệnh viện chuyên khoa để được xét nghiệm và tư vấn cách điều trị. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để tránh các hậu quả khó lường về sau.

Sau khi HCV vào cơ thể, chúng có thời kỳ ủ bệnh khá dài, từ 2 tuần đến 6 tháng, tùy vào thể trạng của từng người bệnh.

Sau lây nhiễm ban đầu, khoảng 80% người không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào và khi làm các xét nghiệm anti-HCV vẫn cho kết quả âm tính với virus bởi cơ thể chưa có thời gian để tạo ra các kháng thể chống lại virus.

Bệnh viêm gan C chữa được không?

Viêm gan C có thể chữa được. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn tùy thuộc vào tiến triển bệnh và thể trạng người bệnh. Ngoài ra, không phải lúc nào việc điều trị cũng loại bỏ được hoàn toàn virus.

  • Đối với bệnh nhân viêm gan C cấp tính (bệnh khởi phát dưới 06 tháng) có thể được hoàn toàn chữa khỏi. Nhiều bệnh nhân sau khi phát hiện đã tự điều trị tại nhà vẫn khỏi bệnh, nhờ có sức đề kháng chống được virus. Do vậy, nâng cao đề kháng chính là giải pháp cốt lõi để điều trị viêm gan C cấp tính, trước khi bệnh tiến triển sang mạn tính.
  • Đối với bệnh nhân viêm gan C mạn tính, việc điều trị trở nên phức tạp hơn khi bệnh nhân buộc phải tuân theo phác đồ điều trị chuyên sâu từ bác sĩ. Bệnh có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, chưa gặp biến chứng. Do vậy, phát hiện sớm các triệu chứng của viêm gan C có vai trò vô cùng quan trọng.

Những triệu chứng của bệnh HCV

Khoảng 80% những ca nhiễm mới HCV không có triệu chứng. Tuy nhiên, ở giai đoạn viêm gan cấp tính, một số người bệnh có thể có những biểu hiện sau:

  • Sốt nhẹ
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn, ăn không ngon
  • Vàng da
  • Nước tiểu đậm
  • Phân nhạt màu
  • Đau bụng trên bên phải
  • Đau khớp

Các triệu chứng thường xuất hiện sau 2 – 12 tuần nhiễm virus và kéo dài từ 2 tuần – 3 tháng. Nếu virus không được loại bỏ, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Hầu hết những người bị viêm gan C mãn tính không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có các triệu chứng chung chung như mệt mỏi mơ hồ kéo dài hoặc các rối loạn chức năng tiêu hóa. Người bệnh thường chỉ biết mình bị viêm gan mãn tính khi được sàng lọc để hiến máu hoặc tiến hành xét nghiệm máu trong các buổi khám sức khỏe định kỳ, hoặc trước các thủ thuật/ phẫu thuật vì bệnh lý khác.

Khi tổn thương gan đủ nặng, người bệnh có thể gặp phải tình trạng của suy chức năng tế bào gan như: mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, dễ bị chảy máu, bầm tím, ngứa da..
Tình trạng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa như: sưng phù chân, cổ trướng (báng bụng), chảy máu tiêu hóa (ói ra máu từ vỡ tĩnh mạch thực quản giãn, đi tiêu ra máu do trĩ biến chứng nặng…); lú lẫn, nói lắp, hôn mê do bệnh não gan hoặc phát hiện khối u ác tính ở gan (HCC: ung thư tế ban gan).

Những biến chứng của bệnh HCV

Viêm gan C có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Tình trạng viêm gan mạn tính: biểu hiện bởi các triệu chứng của suy chức năng gan từ nhẹ đến nặng. Tuy vậy, đa số trường hợp ít có triệu chứng rõ ràng.
  • Xơ gan: Viêm gan kéo dài gây tổn thương gan, các mô tổn thương liên tục được thay thế bằng các mô sẹo, khiến gan dần bị xơ hóa.
    Theo WHO, có khoảng 15 – 30% người bị viêm gan mãn tính tiến triển thành xơ gan trong vòng 20 năm. Biểu hiện xơ gan là tùy giai đoạn còn bù trừ hay mất bù trừ của chức năng tế bào gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa gan. Một số biểu hiện trầm trọng hay thấy như ói ra máu, chảy máu khó cầm, nhiễm trùng ổ bụng, hôn mê, và cuối cùng là tử vong do các biến chứng này.
  • Ung thư gan: Virus viêm gan C được xác định là một trong những nguyên nhân gây ung thư gan. Những người bị xơ gan liên quan đến HCV có nguy cơ ung thư gan cao hơn những người bị xơ gan liên quan đến uống nhiều rượu. Nguy cơ ung thư sẽ cao hơn nữa nếu người bệnh vừa bị viêm gan C vừa nghiện rượu.

Điều trị viêm gan C

Thực tế, một số người bệnh có khả năng tự sản sinh kháng thể chống lại virus viêm gan C, nhờ đó tự lành bệnh. Nhóm đối tượng này chỉ chiếm số ít. Bệnh nhân cần được thăm khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị bệnh cần kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống điều độ để tăng khả năng lành bệnh.

Ở giai đoạn mạn tính, số lượng và mật độ virus viêm gan C đã tăng lên nhanh chóng, do vậy cần được điều trị dứt điểm bằng các loại thuốc kháng virus.

Phác đồ điều trị viêm gan C chủ yếu sử dụng các loại thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp (DAAs) như Sofosbuvir, Ledipasvir, Daclatasvir, Elbasvir, Grazoprevir, Velpatasvir… có tác dụng loại bỏ hoàn toàn virus viêm gan C ra khỏi cơ thể, đồng thời ngăn ngừa tổn thương gan.

Thời gian điều trị trung bình với phác đồ sử dụng DAAs là 12 tuần, một số trường hợp cần kéo dài hơn, đến 24 tuần. Việc sử dụng DAAs có thể phối hợp hoặc không phối hợp với Ribavirin, tùy trường hợp cụ thể.
Nếu người bệnh đã phát triển các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm viêm gan C mãn tính, bác sĩ có thể trao đổi với người bệnh và gia đình để tiến hành ghép gan. Ghép gan là phẫu thuật thay thế một phần hoặc toàn bộ lá gan đã bị hư hỏng của người bệnh bằng gan khỏe mạnh từ người cho.

Bên cạnh việc điều trị bằng các phương pháp y khoa, một chế độ ăn uống hợp lý cũng giúp người bệnh giảm gánh nặng cho gan và mau chóng phục hồi thể lực. Người bệnh nên chủ động bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe như các loại hạt, các loại đậu, cá, thịt gà, rau xanh, trái cây… Đồng thời, bệnh nhân hạn chế ăn thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, thịt đỏ…, kiêng bia, rượu và bỏ hút thuốc lá.

Phòng ngừa bệnh viêm gan C

Dù đã được minh chứng có thể chữa khỏi hoàn toàn, song những biến chứng hiểm nguy gây ra do mắc phải viêm gan C cũng không thể phủ nhận.

Viêm gan siêu vi C hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh. Một số phương pháp phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả như sau:

  • Tuyệt đối không dùng chung kim tiêm
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chế phẩm từ máu
  • Không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân
  • Chọn tiệm xăm và xỏ khuyên cẩn thận
  • Quan hệ tình dục an toàn

Bên cạnh đó, việc duy trì một lối sống lành mạnh, quản lý tốt cân nặng, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân độc hại cho gan như thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, hóa chất… và khám sức khỏe định kỳ cũng là phương pháp giúp bạn bảo vệ lá gan, phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm gan C cũng như các bệnh về gan khác.

Add comment