Bệnh lao: nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan mạnh trong cộng đồng và là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Tuy nghuy hiểm nhưng bệnh Lao có thể được chữa khỏi thành công nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ.

Bệnh lao: nguyên nhân và cách điều trị

Lao là bệnh gì?

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Bệnh lây lan từ người sang người thông qua không khí. Khi người bị bệnh lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, họ sẽ phát tán vi khuẩn lao vào không khí, người bình thường chỉ cần vô tình hít phải một vài trong số những vi khuẩn lao này đều có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh tại phổi.

Vi khuẩn gây ra bệnh lao không chỉ tấn công mỗi phổi mà nó có thể thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể, điển hình như thận, cột sống và não để gây bệnh tại đó. Bệnh lao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới tử vong.

Các loại bệnh lao

Bệnh lao thường có hai loại chính, bao gồm:

  • Nhiễm lao tiềm ẩn: là tình trạng khi vi khuẩn lao có thể sống trong cơ thể mà không làm cho bạn bị mắc bệnh. Khi bạn hít phải vi khuẩn lao trong không khí, cơ thể sẽ sinh ra những phản ứng để chống lại những vi khuẩn này, ngăn không cho chúng phát triển. Những người bị nhiễm lao tiềm ẩn thường không cảm thấy có bất kỳ triệu chứng nào và không thể truyền vi khuẩn lao sang người khác.
  • Bệnh lao: nếu vi khuẩn lao trở nên hoạt động mạnh mẽ trong cơ thể và nhân lên nhanh chóng, người bệnh sẽ chuyển từ bị nhiễm lao tiềm ẩn sang bị bệnh lao. Khi bị bệnh lao, bạn rất dễ lây lan sang cho người khác. Vì lý do này, những người bị nhiễm lao tiềm ẩn thường được chỉ định điều trị để ngăn ngừa phát triển bệnh lao.

Nguyên nhân mắc bệnh

Nguyên nhân chính gây ra bệnh lao là vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB- vi khuẩn hiếu khí) lây lan từ người sang người thông qua các giọt cực nhỏ phát tán vào không khí.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis không hoạt động ngay lập tức mà nó sẽ ở trong trạng thái ngủ- đây chính là giai đoạn ủ bệnh.

Hầu hết, giai đoạn này không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào và không gây lây lan sang người khác. Tuy nhiên khi làm xét nghiệm, người bệnh vẫn có thể nhận được kết quả dương tính với vi khuẩn lao mặc dù không có dấu hiệu của bệnh. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời ngay từ giai đoạn này, nguy cơ mắc bệnh lao sẽ giảm đáng kể.

Theo nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ mười người nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis thì sẽ có một người phát triển thành bệnh. Vi khuẩn gây bệnh thường không hoạt động ngay mà sẽ chờ cho tới khi hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu đi và không còn đủ sức chống cự lại, đặc biệt là ở người già và những người bị nhiễm HIV. Điều này cũng có nghĩa là thời gian ủ bệnh của mỗi người sẽ khác nhau, một khi vi khuẩn lao đã hoạt động, chúng sẽ phát triển từ phổi và theo máu đi sang các cơ quan khác của cơ thể.

Bệnh gây đau ngực và ho kéo dài

Đối tượng dễ mắc bệnh lao

Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lao, nhưng ở một số đối tượng có các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Người có hệ miễn dịch suy giảm do nhiều yếu tố, bao gồm: HIV/AIDS, bệnh đái tháo đường, bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh nhân ung thư đang điều trị bệnh, người đang sử dụng các loại thuốc chống thải ghép các cơ quan cấy ghép, người dùng một vài loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn và bệnh vảy nến, người bệnh suy dinh dưỡng, trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người làm việc hoặc sống ở nơi có nguy cơ lây truyền cao, chẳng hạn như nhà dưỡng lão, trại giam, nơi tạm trú cho người vô gia cư.

Những dấu hiệu mắc bệnh

Thông thường, bệnh lao có biểu hiện sốt, sụt cân, đổ mồ hôi đêm hoặc ho dai dẳng. Các triệu chứng của bệnh lao bao gồm:

  • Sốt
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Ớn lạnh
  • Biếng ăn
  • Ho kéo dài ba tuần hoặc lâu hơn
  • Ho ra máu
  • Đau ngực, hoặc đau khi hít thở hay ho
  • Sụt cân không chủ ý
  • Mệt mỏi.

Ngoài ra, lao có thể gây bệnh tại nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Khi người bệnh mắc lao ngoài phổi, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ khác nhau. Ví dụ, lao cột sống sẽ có triệu chứng đau lưng, lao ở thận bệnh nhân có thể tiểu ra máu.

Ho ra mấu là dấu hiệu điển hình của bệnh

Điều trị bệnh lao

Điều trị nhiễm lao dạng tiềm ẩn

Những bệnh nhân nhiễm lao dạng tiềm ẩn sẽ được chỉ định điều trị để ngăn chặn phát triển bệnh lao. Việc điều trị cho những người nhiễm lao tiềm ẩn cũng dễ dàng hơn nhiều vì họ có nhiễm ít vi khuẩn lao. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm lao dạng tiềm ẩn, bao gồm: Rifampin (RIF), Isoniazid (INH) và Rifapentine (RPT).

Phương pháp điều trị bệnh lao

Có thể điều trị bệnh lao bằng nhiều loại thuốc khác nhau trong vòng 6-9 tháng. Hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt khoảng 10 loại thuốc phù hợp để điều trị bệnh lao. Trong đó, các loại thuốc kháng lao là lựa chọn đầu trong phác đồ điều trị. Những loại thuốc này bao gồm: Isoniazid (INH), Ethambutol (EMB), Rifampin (RIF) và Pyrazinamide (PZA).

Dưới đây là phác đồ điều trị thông thường của bệnh lao:

  • Phác đồ đầu tiên là sự kết hợp của 4 loại thuốc, gồm isoniazid, pyrazinamid, rifampicin và ethambutol trong 2 tháng. Khi vi khuẩn lao phân lập đủ nhạy với thuốc, người bệnh có thể ngừng sử dụng ethambutol.
  • Phác đồ tiếp theo là sự kết hợp của hai loại thuốc, gồm isoniazid và rifampicin trong 4 tháng.

Lưu ý rằng, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, sử dụng đúng, đầy đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh dừng thuốc quá sớm, bệnh sẽ có khả năng tái phát trở lại. Đối với những trường hợp dùng thuốc không đúng cách sẽ làm cho những vi khuẩn lao còn hoạt động trở nên kháng những loại thuốc này. Bệnh lao kháng thuốc khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn, tốn kém hơn.

Đối với những bệnh nhân đang điều trị bệnh lao bằng thuốc pyrazinamide nên thực hiện xét nghiệm acid uric huyết thanh định kỳ. Những bệnh nhân sử dụng thuốc ethambutol để điều trị thì nên đi kiểm tra thị lực và tình trạng mù màu xanh/đỏ định kỳ.

Phòng ngừa bệnh lao

  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh. Nếu công việc của bạn cần tiếp xúc với người bệnh lao hãy đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ. Tránh đi đến những nơi đông đúc, kém vệ sinh.
  • Tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên ít nhất 45 phút mỗi ngày để cải thiện khả năng tuần hoàn máu và hệ miễn dịch. Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên với xà phòng.
  • Tiêm vắc xin phòng lao BCG (Việt Nam) ngay từ khi trẻ chào đời.

Vắc xin BCG có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa chủng lao nguy hiểm trong đó có lao màng não. Vắc xin được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 1 tháng đầu đời. Vắc xin lao chỉ cần tiêm 1 mũi có khả năng bảo vệ trọn đời, không cần tiêm nhắc.

Tiêm phòng lao muộn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh lao ở trẻ. Người lớn không mắc bệnh lao, chưa được chủng ngừa và thường xuyên phải tiếp xúc với yếu tố phơi nhiễm cần tiêm vắc xin phòng bệnh.

Leave a reply