những thói quen gây suy thận

Suy thận gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Bệnh suy thận mạn tính đặc trưng bởi sự mất dần chức năng thận theo thời gian. Có rất nhiều nguyên nhân suy thận, phổ biến nhất là bệnh đái tháo đường, huyết áp cao… Ngoài ra, những thói quen tưởng chừng như vô hại vẫn ngấm ngầm gây nên căn bệnh nguy hiểm này. Vậy những thói quen gây suy thận chúng ta có thể bắt gặp hoặc chính bạn đang lặp đi lặp lại hằng ngày đó là gì?

những thói quen gây suy thận
Những thói quen không tốt có thể khiến bạn bị suy thận

Suy thận là bệnh gì?

Thận có vai trò ổn định thể dịch, bài tiết các chất dư thừa từ sự chuyển hóa của cơ thể và một số chức năng khác như bảo tồn hay loại thải các chất khác ra khỏi cơ thể thông qua tiểu tiện.

Tình trạng suy giảm chức năng của thận được gọi là suy thận hay tổn thương thận. Suy thận do nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau gây nên.

Tình trạng này được chia thành hai nhóm chính gồm:

  • Suy thận cấp: chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có khả năng khôi phục chức năng thận (một phần hoặc thậm chí là hoàn toàn) nếu được điều trị hiệu quả ngay từ đầu.
  • Suy thận mạn: tiến triển trong thời gian dài và các giải pháp điều trị chỉ tập trung vào kiểm soát bệnh chứ không thể phục hồi chức năng thận.

Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận.

Ngược lại, người mắc suy thận mạn sẽ phải trải qua quá trình tiến triển không phục hồi chức năng thận. Trong suy thận mạn, các phương pháp điều trị chỉ nhằm làm chậm diễn biến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng.

Người bệnh bị suy thận nặng khi chức năng thận giảm đến 90% và cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.

Đa phần các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận) khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.

Thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn nếu không chữa trị, mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.

Những dấu hiệu khi mắc bệnh suy thận

Thông thường bệnh nhân suy thận sẽ có một vài triệu chứng của bệnh, nhưng đôi khi không có triệu chứng nào. Một số biểu hiện của tình trạng này có thể xảy ra bao gồm:

  • Giảm lượng nước tiểu
  • Phù mắt cá chân, bàn chân
  • Khó thở không rõ nguyên nhân
  • Đau hoặc cảm thấy nặng ngực
  • Buồn ngủ quá mức, mệt mỏi, uể oải
  • Kém ăn, buồn nôn dai dẳng, nôn
  • Sụt cân
  • Ngứa ngáy
  • Co rút cơ (đặc biệt là ở chân)
  • Co giật
  • Hôn mê
  • Thiếu máu (ít xuất hiện).

Bệnh nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, tăng huyết áp, phù phổi cấp
  • Tăng kali máu, có thể đe dọa tính mạng
  • Bệnh tim mạch
  • Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương
  • Thiếu máu
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật
  • Giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Thói quen thường xuyên ăn mặn có thể gây nguy hại cho thận

Những thói quen có hại gây suy thận

  • Thói quen ăn mặn: Ăn mặn thường xuyên khiến cơ thể phải hấp thụ cả lượng muối bị dư thừa, làm huyết áp tăng cao. Khi đó sẽ tạo áp lực cho thận, buộc thận phải làm việc nhiều. Từ đó dẫn đến bệnh suy thận.
  • Thích ăn ngọt, uống nhiều nước ngọt: Ăn quá nhiều đường dẫn đến huyết áp tăng và gây ra bệnh tiểu đường. Chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thận. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại đồ uống có đường thường xuyên sẽ làm tăng Protein trong nước tiểu. Và đây cũng là một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh suy thận.
  • Bỏ bữa sáng: Buổi sáng là thời gian túi mật hoạt động bài tiết dịch để chuẩn bị cho việc tiêu hóa thức ăn. Nhưng khi túi mật không có thức ăn để tiêu hóa sẽ làm cho dịch mật tích tụ lâu hơn trong cơ thể. Cứ như vậy trong một thời gian dài sẽ tạo điều kiện hình thành sỏi mật, sỏi thận. Từ đó dần dẫn đến bệnh suy thận.
  • Hay nhịn tiểu: Nhịn tiểu quá lâu khiến nước tiểu lắng đọng trong bàng quang, làm gia tăng sự sinh sôi, phát triển của vi khuẩn, từ đó dễ thâm nhập vào các cơ quan trong đường tiết niệu và gây bệnh. Nước tiểu giữ trong bàng quang quá lâu có thể trào ngược lên thận, gây nhiễm trùng thận.
  • Thói quen lười uống nước: Uống quá ít nước mỗi ngày là một trong những nguyên nhân gây nên suy thận.
  • Thói quen uống bia, rượu: Chất cồn trong bia, rượu ảnh hưởng rất lớn đến chức năng lọc và thải độc khỏi máu của thận. Bia rượu sẽ gây ứ đọng acid uric. Chúng làm tắc nghẽn ống thận và khiến thận bị suy một cách nhanh chóng.
  • Thói quen ăn ít rau, nhiều thịt: Ăn quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt đỏ sẽ khiến thận phải hoạt động nhiều hơn. Thận cũng phải hoạt động rất nhiều lần để thải các chất độc có trong thịt.
  • Lạm dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tổn thương thận đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp. Các loại thuốc kháng viêm giảm đau (ibuprofen và naproxen, NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid), hoặc các loại thuốc thảo dược, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc

Ngoài ra, những nguyên nhân gây nên bệnh suy thận còn có:

  • Bệnh tiểu đường týp 1 và týp 2: Nồng độ đường trong máu tăng cao lâu ngày sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận khiến chức năng lọc chất thải và nước thừa của thận bị ảnh hưởng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn tính.
  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp cũng gây tổn thương các mạch máu nhỏ, tương tự như bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây suy thận mạn tính.
  • Tình trạng viêm cầu thận mạn do bệnh thận IgA, hội chứng thận hư do HIV/AIDS, bệnh nhân viêm gan B, viêm gan C, bệnh nhân lupus hoặc không rõ nguyên nhân…
  • Nhiễm trùng đường tiểu (viêm thận mủ) để lại nhiều vết sẹo khi lành. Tình trạng này kéo dài có thể khiến tổn thương thận
  • Bệnh thận đa nang
  • Dị tật bẩm sinh đường tiểu: Thường là do tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc các dị dạng liên quan đến thận.

Điều trị và phòng ngừa bệnh suy thận

Tùy thuộc vào nguyên nhân có thể điều trị được một số loại suy thận. Thế nhưng, tổn thương thận sẽ tiếp tục xấu đi ngay cả khi những nguyên nhân gây suy thận đã được kiểm soát tốt.

Thông thường, không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn suy thận mạn. Phương pháp điều trị chủ yếu là kiểm soát dấu hiệu và triệu chứng, giảm các biến chứng và làm bệnh tiến triển chậm lại.

Suy thận giai đoạn cuối (khi chức năng thận giảm xuống còn dưới 50%) được điều trị bằng cách:

  • Thẩm phân phúc mạc
  • Chạy thận nhân tạo
  • Ghép thận, người bệnh cần uống thuốc suốt đời để giúp cơ thể thích nghi với thận đã được ghép.

Để phòng ngừa bệnh suy thận hãy áp dụng những phương pháp sau:

Thay đổi lối sống

  • Giữ huyết áp đúng chỉ định bác sĩ đặt ra. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu huyết áp thường là dưới 140/90 mm Hg
  • Kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu
  • Tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng lý tưởng
  • Không hút thuốc lá

Thay đổi chế độ ăn uống

  • Uống đủ 1,5 – 2 lít nước trong một ngày, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi
  • Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ.

Suy thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng, vì vậy điều quan trọng là cần phát hiện bệnh sớm, đặc biệt đối với 3 đối tượng có nguy cơ cao là người bị đái tháo đường, tăng huyết áp và người có lịch sử gia đình bị bệnh thận. Các đối tượng này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm để không biến chứng lên thận.

Leave a reply