Những lợi ích mà trà xanh mang lại cho sức khỏe

Trà xanh là loại thức uống phổ biến với nhiều lợi ích cho sức khỏe đặc biệt là có lợi cho sức khỏe làn da, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giúp giảm cân. Không những thế, thảo dược này còn được dùng trong y học như một loại dược liệu hỗ trợ điều trị bệnh.

Những lợi ích mà trà xanh mang lại cho sức khỏe
Trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Tổng quan về trà xanh

Trà xanh, còn được gọi là chè xanh, xuất phát từ lá của cây trà xanh (Camellia sinensis) chưa trải qua bất kỳ quá trình chế biến nào. Trà xanh có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng hiện nay quy trình sản xuất và trồng cây đã lan truyền rộng rãi sang các quốc gia Châu Á.

Trong quy trình sản xuất, trà xanh không trải qua quá trình lên men như các loại trà khác. Thay vào đó, loại dược liệu này được sản xuất bằng cách sấy khô bằng nhiệt độ cao. Phương pháp này giúp trà duy trì các phân tử quan trọng, đặc biệt là polyphenol, một thành phần quý giá mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Các chất có trong trà xanh

Trong trà xanh có chứa nhiều thành phần rất có lợi cho sức khỏe như:

  • Polyphenol-hợp chất tự nhiên đem lại nhiều lợi ích như giảm viêm và chống ung thư.
  • Catechin có trong trà xanh thuộc loại epigallocatechin-3-gallate (EGCG) là chất chống oxy hóa tự nhiên với tác dụng ngăn ngừa tổn thương tế bào và một số lợi ích khác như: giảm hình thành gốc tự do, bảo vệ tế bào,…
  • Ngoài ra, trong trà xanh cũng có chứa một lượng nhỏ khoáng chất (kali, canxi, phốt pho, magie,…) có lợi cho sức khỏe.

EGCG là một trong những hợp chất chống oxy hóa mạnh nhất trong trà xanh. Các nghiên cứu kiểm tra tác dụng của trà xanh trên sức khỏe cho thấy EGCG là thành phần chính mang lại đặc tính hỗ trợ điều trị các bệnh lý như: xơ vữa động mạch, phì đại cơ tim, nhồi máu cơ tim, tiểu đường.

Phân tử Polyphenol có khả năng ngừa sưng viêm, bảo vệ sụn khớp, giảm thoái hóa, chống nhiễm trùng và giảm sự phát triển của tế bào bất thường ở cổ tử cung,… Ngoài ra, 2 – 4% cafein có trong trà xanh tác động đến việc sự tỉnh táo và tư duy, tăng hàm lượng nước tiểu và cải thiện chức năng của tế bào tiếp nhận thông tin não đối với bệnh Parkinson. Chất cafein của trà xanh còn tăng cường giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh có ở não từ đó kích thích tim, hệ thống thần kinh và cơ.

Công dụng của trà xanh đối với sức khỏe

Hiện nay, lá trà xanh được coi là một nguyên liệu chế biến các thức uống tốt cho sức khỏe của con người, theo lương y Vũ Quốc Trung, trà xanh có các tác dụng như:

Đối với sức khỏe

  • Hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh tim mạch: Các chất có trong trà xanh chứa đựng khả năng kiểm soát lượng cholesterol cũng như giúp điều hòa huyết áp, ngăn chặn xơ vữa động mạch. Thậm chí nếu ai từng bị đau tim, trà xanh có thể giúp ngăn ngừa tế bào bị phá hủy và tăng tốc quá trình phục hồi tế bào tim mạch.
  • Hỗ trợ hệ cơ xương khỏe mạnh: Thành phần catechin trong trà xanh góp phần làm chậm quá trình lão hóa của xương. Một trong số các catechin đó là EGCG đã kích thích một loại enzyme thúc đẩy sự tăng trưởng xương lên tới 79%, giúp hạn chế nhuyễn xương và loãng xương.
  • Tăng cường trí nhớ: Không chỉ đảm bảo một sức khỏe thể chất lý tưởng, trà xanh còn chống lại những tác động của tuổi tác lên não bộ. Thành phần EGCG tham gia vào quá trình sản sinh các tế bào não, qua đó giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh Alzheimer và Parkinson ở người già.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Trà xanh có chứa chất polyphenol và flavonoid, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, và có khả năng chiến đấu chống lại chứng nhiễm trùng.
Trà xanh có chứa chất kiểm soát lượng cholesterol

Tác dụng của trà xanh trong làm đẹp

  • Ngăn ngừa lão hóa: Trà xanh cũng giúp làm mờ các nếp nhăn trên khuôn mặt của bạn. Polyphenols trong trà xanh là một chất chống lại các gốc tự do, giúp làm chậm quá trình lão hóa.
  • Giúp đốt mỡ, giảm cân: Đây có lẽ là lợi ích hữu hiệu nhất của trà xanh. Trà xanh có thể giúp đốt cháy mỡ và tăng cường khả năng trao đổi chất một cách tự nhiên, đốt cháy gần 70 calo mỗi ngày. Trà xanh cũng có thể ngăn chặn quá trình chuyển hóa glucose thành tế bào mỡ. Do đó, bạn có thể giảm cân nếu kết hợp uống trà xanh mỗi ngày với luyện tập thể thao và ăn uống lành mạnh.
  • Giảm quầng thâm mắt: Trà xanh có tác dụng rất lớn trong việc giảm sưng, thâm quầng mắt thông qua việc làm giảm sự giãn nở của các mạch máu dưới mắt. Bên cạnh đó, nó cũng chứa một lượng nhỏ caffeine và tannin, giúp làm giảm lượng nước trong các mô và thắt chặt vùng da quanh mắt.
  • Trị mụn hiệu quả: Khi gan chứa quá nhiều độc tố sẽ gây hình thành nên những nốt mụn, sần trên da, khiến da kém sắc. Nhờ vào việc uống trà xanh sẽ có tác dụng làm mát cơ thể, cải thiện chức năng gan, ngăn ngừa quá trình thải độc qua da là tác nhân gây mụn.
  • Ngăn chặn sâu răng: Trà xanh là thành phần phổ biến có trong các loại kem đánh răng, ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn, đặc biệt là là chứng hôi miệng. Hơn nữa, các thành phần có trong trà xanh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và virus gây bệnh răng miệng.
Trà xanh có tác dụng trong việc hỗ trợ làm đẹp

Những lưu ý khi sử dụng trà xanh

Nhiều nghiên cứu cho thấy trà xanh được chế biến khô đã bị mất đi khoảng 14% lượng catechin gồm các chất chống oxy hóa, nhất là EGCG với khả năng chống oxy hóa vô cùng mạnh mẽ. Vì thế, trà xanh tươi vẫn được xem là tốt nhất.

Chỉ nên uống từ 3 đến 5 tách mỗi ngày tương đương 720 đến 1.200 mL trà xanh cung cấp ít nhất 180 mg catechin và ít nhất 60 mg theanine. 

Đặc biệt ở người mắc bệnh trầm cảm nên sử dụng 2 đến 4 tách trà xanh/ngày trở lên giúp giảm tần suất các triệu chứng trầm cảm.

  • Phụ nữ đang mang thai dùng không quá 6 tách trà mỗi ngày.
  • Người bị bệnh gan nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng trà xanh được phép sử dụng.
  • Trà xanh được dùng với liều lượng cao sẽ gây giảm nồng độ máu.
  • Không nên uống chiết xuất trà xanh khi bụng đói do có khả năng gây độc cho gan do nồng độ epigallocatechin gallate (EGCG) quá mức.
  • Trong thời gian sử dụng trà xanh, không nên uống cùng với bất kỳ loại thuốc nào, để tránh tương tác hóa học có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
  • Trà xanh chứa caffeine khá cao, nên tránh uống vào buổi tối để không gây khó ngủ.

Nếu tiêu thụ trà quá mức, có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Chóng mặt, đau đầu và rối loạn đường tiêu hóa: Uống quá nhiều trà có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu và có thể gây rối loạn đường tiêu hóa.
  • Tăng độc tính cho gan: Sử dụng lượng trà quá lớn có thể tăng độc tính cho gan, đặc biệt nếu liên quan đến chất chuyển hóa hoặc nồng độ epigallocatechin gallate (EGCG) cao.

Trà là một loại thức uống được yêu thích rộng rãi trên khắp thế giới. Không thể phủ nhận những tác dụng có lợi cho sức khỏe từ trà xanh, nhưng điều đó không có nghĩa là được lạm dụng quá nhiều nguyên liệu này. Với những người đang dùng thuốc để điều trị bệnh, nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng trà xanh nhằm tránh gặp phải tương tác thuốc không mong muốn.

Leave a reply

Tags: