Bị chuột rút

Chuột rút là hiện tượng thường gặp ở nhiều người, chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn nhưng tình trạng này gây đau đớn, khiến người mắc phải cực kì khó chịu. Vậy nguyên nhân và cách xử lý khi bị chuột rút như thế nào?

Bị chuột rút
Chuột rút khi vận động mạnh, quá sức

Hiện tượng bị chuột rút là gì?

Chuột rút là từ chỉ những cơn co thắt cơ rất mạnh và đau, thường đến rất đột ngột. Người bị chuột rút sẽ cảm thấy rất đau do cơ bị co thắt mạnh, vùng bị chuột rút không thể cử động được và kéo dài trong khoảng vài giây hoặc vài phút. Chuột rút có thể xảy ra ở nhiều bộ phận trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là chuột rút bắp chân, bàn chân. Nó thường xuất hiện khi bạn ngủ hoặc khi bạn vừa thức dậy, đôi khi là đang vận động.

Chuột rút sẽ gây nguy hiểm khi đang bơi dưới nước, ngồi gần bếp lửa, hoặc khi đang lái xe.

Theo khảo sát, có tới 60% người lớn và 7% trẻ em bị chuột rút khi ngủ. Các cơ căng lên sẽ gây khó chịu, đau đớn ở vùng cơ bị chuột rút. Ngoài đau đớn, chuột rút vào ban đêm còn gây ra nhiều vấn đề khác như làm gián đoạn giấc ngủ, ngủ không ngon,… khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Vì sao lại bị chuột rút?

Chuột rút có thể do những nguyên nhân sau:

Vận động quá sức

Đây là nguyên nhân chuột rút bắp chân và các bộ phận khác đầu tiên và phổ biến nhất. Trong các hoạt động vào ban ngày, khi bạn vận động quá sức, các cơ bắp sẽ bị mỏi thậm chí bị chấn thương. Khi vận động quá nhiều, lượng đường ở gan sẽ bị tiêu hao nhanh chóng, nếu không được bổ sung lại kịp thời thì bạn có thể bị chuột rút.

Thiếu canxi, magie, kali

Các khoáng chất này đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Khi bị thiếu canxi, magie, kali, bạn sẽ bị mất cân bằng điện giải dẫn đến chuột rút cơ. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú và trẻ em là những đối tượng rất dễ bị thiếu các dưỡng chất này.

Phụ nữ đang mang thai

Phụ nữ mang thai luôn phải gặp rất nhiều vấn đề về cơ thể và sức khỏe và họ cũng thường bị chuột rút trong thai kỳ. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đó là do cơ thể tích nước quá nhiều dẫn đến mất cân bằng điện giải khiến phụ nữ mang thai dễ bị chuột rút.

Bên cạnh đó, sức nặng của thai nhi cũng phần nào ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở chân. Sự lưu thông máu kém cũng có thể dẫn đến chuột rút hoặc tê bì chân.

Phụ nữ mang thai cũng rất dễ gặp phải tình trạng hạ canxi máu do nhu cầu canxi của cơ thể trong thời kỳ mang thai tăng lên rất nhiều, dẫn đến chuột rút. Tuy nhiên, hiện tượng chuột rút sẽ được khắc phục khi bạn sinh em bé.

Lão hóa ở người già

Nguyên nhân người già dễ bị chuột rút đó là do sự lão hóa hệ thần kinh, hệ cơ bắp và hệ mạch máu. Để khắc phục tình trạng này, người cao tuổi cần phải bổ sung thêm các dưỡng chất thiết yếu như canxi, magie và kali. Ngoài ra, cần bổ sung thêm vitamin cho người cao tuổi để hỗ trợ sự hoạt động của hệ thống thần kinh, cơ bắp và mạch máu trong cơ thể.

Hệ thần kinh cơ bắp hoạt động quá mức

Đây là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt cơ, chuột rút vào ban đêm. Nó thường xảy ra khi bạn đứng, ngồi hoặc quỳ quá lâu làm các cơ, mạch máu bị chèn ép. Các cơ bắp ở chân khá ngắn nên khi ngủ nếu bạn để cong chân quá lâu không duỗi ra thì chỉ cần bạn cử động nhẹ là sẽ bị chuột rút.

Người thường xuyên đi giày cao gót, giày kín mũi khiến các ngón chân bị chèn ép dẫn đến tình trạng chuột rút ngón chân. Đi giày cao gót cả ngày cũng khiến cơ bắp ở chân phải hoạt động nặng nhọc dễ dẫn đến hiện tượng chuột rút.

Khi chơi thể thao, đặc biệt là các môn bơi lội, đá bóng, chạy bộ, nếu không khởi động kỹ thì cũng rất dễ bị chuột rút.

Mất cân bằng điện giải

Mất cân bằng điện giải là một trong số những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng chuột rút. Vận động nhiều khiến có thể đổ nhiều mồ hôi mà không được bổ sung kịp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước, mất cân bằng điện giải và khiến cơ thể dễ bị chuột rút.

Ngoài ra, khi bạn uống ít nước, uống nhiều trà lợi tiểu hoặc cà phê cũng khiến cơ thể bị thiếu nước dẫn đến hiện tượng chuột rút vào ban đêm.

Stress

Sự căng thẳng, lo âu kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Nó khiến các hormone trong cơ thể bị mất cân bằng dẫn đến nhịp tim và huyết áp tăng cao có thể dẫn đến chuột rút.

Chuột rút do bệnh lý

Hiện tượng chuột rút xảy ra thường xuyên có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó trong cơ thể, đặc biệt là bị chuột vào ban đêm. Có tới 70% số người trường hợp chuột rút vào ban đêm là do bệnh suy giảm hệ tĩnh mạch ở chân.

Sự tắc nghẽn mạch máu sâu trong tĩnh mạch khiến các chất chuyển hóa bị tích tụ lại dưới da. Điều này có thể khiến các cơ rơi vào trạng thái bị kích thích dẫn đến hiện tượng co rút cơ hay chuột rút. Bệnh suy tĩnh mạch cũng có thể gây ra hiện tượng phù nề chân.

Massage, vận động nhẹ nhàng khi mang thai

Cách xử lý khi bị chuột rút

Chuột rút cơ bắp thường không phải là một bệnh nghiêm trọng và có thể được xử lý bằng các biện pháp sau:

  • Kéo căng: Đứng thẳng, uốn cong chân ngay đầu gối và kéo chân ngược về phía bụng. Giữ mắt cá hoặc gót chân. Để cân bằng dựa vào tường hoặc ngồi trên ghế. Nếu bị chuột rút cơ bắp chân, hãy đứng bằng chân, đưa chân bị chuột rút về phía trước, hơi cong đầu gối và ấn trọng lượng cơ thể lên chân bị chuột rút. Giữ yên trong 20 – 30 giây.
  • Chích lể cơ bắp: Phương pháp này thường được áp dụng cho các vận động viên. Chỉ cần dùng một cây kim để chích vào chỗ bị chuột rút. Cẩn thận kẻo bị nhiễm trùng.
  •  Xoa bóp: Có thể tự xoa bóp vào chỗ bị chuột rút để giảm căng cơ. Xoa bóp hay vuốt vùng cơ bị chuột rút, làm vùng da ấm lên, thao tác phải nhẹ nhàng từ vùng cơ xung quanh vùng đau. Có thể sử dụng một con lăn massage hoặc bóng tennis. Cũng có thể day ấn vào huyệt Thừa sơn ở sau bụng bắp chân cả hai bên cùng lúc.
  • Làm ấm: Làm ấm là cách hiệu quả để loại bỏ sự căng cơ và đau. Sử dụng một miếng đệm nóng hoặc chai nước nóng áp vào chỗ bị chuột rút. Nhiệt giúp cải thiện lưu lượng máu. Tắm nước ấm cũng giúp thư giãn cơ bắp và giảm chuột rút.
  • Uốn cong ngón chân: Đây là cách dễ nhất để xử lý chuột rút ở bàn chân và ngón chân. Nắm bàn chân hoặc các ngón chân và kéo căng hết cỡ. Có thể rất đau. Nhưng sẽ nhanh chóng hết chuột rút.
  • Đi chân trần: Một cách khác là đi chân trần trên sàn nhà, cử động các ngón chân, tì ngón chân lên sàn nhà và kéo căng ngón chân ra. Những bước đơn giản này sẽ tăng tốc độ lưu thông máu và giảm chuột rút.
  • Nếu bị co rút cơ xương sườn: Cần xoa bóp nhẹ nhàng các bắp thịt quanh lồng ngực, hít thở sâu, thả lỏng người để tăng cường lượng máu lưu thông qua vị trí này.
  • Sử dụng thuốc: Vitamin E, thuốc thư giãn cơ,… để điều trị co rút cơ, thuốc chống viêm không steroid giúp làm giảm cơn đau do chuột rút (nhưng không thể điều trị chuột rút bởi tình trạng này không liên quan tới yếu tố viêm nhiễm).

Làm gì để tránh chuột rút?

Để tránh chuột rút, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:

  • Vận động hoặc đi bộ nhẹ nhàng.
  • Massage.
  • Tập kéo cơ chân.
  • Tắm nước ấm thư giãn cơ thể, tránh căng thẳng, stress.
  • Sử dụng túi chườm nóng cho các cơ chuột rút, tuy nhiên hãy để một miếng vải để ngăn cách giữa túi chườm và bề mặt da.

Bạn nên ăn uống đủ dưỡng chất nhất là canxi, kali, magie, natri… Khi tập thể dục, chơi thể thao phải khởi động kỹ. Khi vận động ngoài nắng nóng nhớ uống đủ nước. Khi đi bơi, tránh tiếp xúc với nước lạnh một cách đột ngột. Đêm ngủ nên giữ ấm cơ thể, tránh quạt lạnh vào hai chân.

Leave a reply