Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là chấn thương thường gặp ở cột sống gây thoái hóa đĩa đệm, rách hoặc nứt gây chèn ép dây thần kinh, dẫn đến cơn đau khó chịu, gây cản trở khả năng vận động.

Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì?

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống lưng và cổ bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu gây chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh trong ống sống, dẫn đến tình trạng đau nhức và rối loạn cảm giác tại chỗ.

Cụ thể, các đốt sống trong cột sống phân bố kéo dài từ đáy hộp sọ đến xương cụt. Nằm ở giữa là những đệm tròn thực hiện vai trò giảm xóc, cho phép cơ thể uốn cong và di chuyển dễ dàng. Khi một trong những đĩa này bị rách, nhân nhầy bên trong rò rĩ dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm. Hiện tượng này đồng thời gây chèn ép các dây thần kinh cột sống xung quanh, dẫn đến nhiều vấn đề bệnh lý nghiêm trọng khác.

Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm nhưng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cổ, do các vị trí này chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chủ yếu

  • Sai tư thế: Tư thế lao động, mang vác vật nặng sai cách dễ gây chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm.
  • Chấn thương: Khi có một lực mạnh tác động trong các trường hợp té ngã, chơi thể thao, tai nạn giao thông… làm thay đổi cấu trúc và vị trí đĩa đệm.
  • Thoái hóa tự nhiên: Tuổi càng cao, cột sống không còn mềm mại, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, lượng nước và tính đàn hồi bên trong nhân nhầy giảm đi, nên càng có nguy cơ cao bị mắc phải chứng bệnh này. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 35 – 50.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

  • Cân nặng: Cân nặng dư thừa làm tăng áp lực lên cột sống. Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh gấp 12 lần so với người bình thường.
  • Bệnh lý cột sống: Gù vẹo cột sống, gai đôi hoặc thoái hóa cột sống là những yếu tố làm tăng nguy cơ đĩa đệm bị thoát vị.
  • Nghề nghiệp: Đặc thù công việc thường xuyên kéo, đẩy, gập người, khuân vác nặng hoặc nhân viên văn phòng ngồi lâu một chỗ, ít vận động trong suốt 8 – 10 tiếng làm tăng áp lực lên cột sống và hệ thống đĩa đệm, dễ dẫn đến hiện tượng thoát vị.
  • Đi giày cao gót: làm tăng nguy cơ bị lồi đĩa đệm, thoát vị, biến dạng ở cơ bắp chân và dây chằng ở chân.

Đối tượng dễ bị thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm thường gặp phải ở một số đối tượng sau:

  • Người bị thoái hóa, chấn thương hoặc mắc các bệnh lý bẩm sinh về cột sống như trượt cột sống, gai cột sống, cong vẹo cột sống…
  • Người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc.
  • Người có thói quen sinh hoạt không khoa học như kê gối quá cao khi ngủ, tư thế ngồi làm việc, học tập không đúng…
  • Người mắc các bệnh lý đái tháo đường, viêm đa khớp dạng thấp, gút,… đều có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
  • Người cao tuổi.
  • Những người làm công việc đòi hỏi phải liên tục thay đổi tư thế như diễn viên múa, vận động viên thể thao…
  • Người thường xuyên đứng hoặc ngồi quá lâu như nhân viên văn phòng, thợ may, tài xế, nhân viên bán hàng.

Những triệu chứng của bệnh

Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí cột sống bị tổn thương. Trong hầu hết các trường hợp, dấu hiệu đau đớn trở nên nghiêm trọng hơn khi di chuyển và cải thiện khi nghỉ ngơi. Triệu chứng cụ thể như sau:

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Triệu chứng điển hình của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là đau nhói vùng lưng dưới, lan dần xuống một bên mông, chân và bàn chân. Một số dấu hiệu khác bao gồm:

  • Ngứa ran hoặc tê ở chân, bàn chân.
  • Yếu cơ.

Thoát vị đĩa đệm cổ

Dấu hiệu thường gặp của bệnh nhân khi mắc phải tình trạng thoát vị đĩa đệm cổ là:

  • Đau gần hoặc giữa hai xương bả vai.
  • Cơn đau lan dầu đến vai, cánh tay, bàn tay và ngón tay.
  • Đau cổ, đặc biệt là vùng lưng và hai bên cổ.
  • Đau tăng lên khi cúi hoặc xoay cổ.
  • Tê hoặc ngứa ran trong cánh tay.

Tình trạng này có thể gây đau mãn tính cùng nhiều biến chứng nghiêm trọng khác, điển hình như: rối loạn bài tiết, tổn thương hệ thần kinh, hội chứng chùm đuôi ngựa… Thông thường, liệu pháp điều trị bảo tồn thường được ưu tiên nhằm kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp buộc phải can thiệp phẫu thuật kịp thời để tránh tàn tật vĩnh viễn.

Nếu chủ quan không điều trị kịp thời hoặc tiếp cận sai cách chữa thoát vị đĩa đệm, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hại đến sức khỏe như:

  • Khó khăn khi vận động các chi, mất khả năng lao động.
  • Tổn thương thần kinh cánh tay.
  • Gây rối loạn cảm giác, tê tay, tê chân, mất cảm giác nóng, lạnh.
  • Tổn thương thần kinh tọa, không nhấc được mũi và gót chân, lâu ngày bị teo cơ chân.
  • Rối loạn bàng quang hoặc chức năng ruột, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ.
  • Bại liệt, tàn phế.

Điều trị thoát vị đĩa đệm

Tùy thuộc vào tình trạng thoát vị đĩa đệm mà thời gian hồi phục sẽ nhanh hay chậm. Mặc dù các triệu chứng đau, tê liệt, yếu cơ ở một số bộ phận do hội chứng đĩa đệm gây ra có thể khiến người bệnh khó chịu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chữa trị chúng hiệu quả bằng cách ứng dụng các phương pháp vật lý trị liệu mà không cần thuốc hay phẫu thuật.

Nhiều trường hợp do đĩa đệm bị tổn thương trong một khoảng thời gian dài, vì thế để thu được kết quả tích cực như mong muốn, người bệnh cần kiên trì chữa trị ít nhất vài tháng.

Có hai phương pháp chữa bệnh chủ yếu điều trị là bảo tồn và phẫu thuật. Tùy theo tình trạng bệnh lý, cũng như mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động lao động, sinh hoạt và mong muốn của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

  • Trường hợp đĩa đệm di lệch chưa gây chèn ép rễ thần kinh, người bệnh chỉ cần dùng thuốc và tập vật lý trị liệu.
  • Trường hợp đã điều trị nội khoa tích cực mà bệnh lý không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu tiến triển nặng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Dùng thuốc điều trị

Một số loại thuốc dùng trong cải thiện triệu chứng lệch đĩa đệm là thuốc giảm đau acetaminophen, thuốc chống viêm non steroid hoặc corticosteroid, giãn cơ, chống đau thần kinh… Cần lưu ý rằng những loại thuốc này nếu lạm dụng có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn là chóng mặt, buồn nôn, dị ứng, nguy hiểm hơn có thể gây viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan thận, loãng xương… do đó người bệnh cần có sự chỉ định của bác sĩ.

Vật lý trị liệu

Song song quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể kết hợp cùng tập vật lý trị liệu để khắc phục các cơn đau, cũng như hạn chế sự chèn ép các dây thần kinh do sai tư thế trong lao động, sinh hoạt dưới sự trợ giúp của các chuyên viên và kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Khuyến cáo người bệnh không tự lý tập luyện để tránh việc tập luyện sai cách, khiến những tổn thương cột sống trở nên trầm trọng hơn.

Phẫu thuật

Hiện nay các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm gồm mổ hở, mổ nội soi, tiêu hủy nhân nhầy bằng men chymopapain… Tuy nhiên, hạn chế của những phương pháp này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể bị nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, liệt dây thần kinh, hoặc nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong.

Thực hiện các bài tập cho người thoát vị đĩa đệm

Một số bài tập phù hợp rất có ích trong việc hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm. Luyện tập vừa phải giúp người bệnh giảm áp lực lên cột sống, nhờ vậy giảm các cơn đau, tăng sự dẻo dai cho xương khớp, đẩy nhanh tiến trình hồi phục bệnh.

Bệnh nhân thoái hóa đĩa đệm nói chung nên thực hiện động tác nhẹ nhàng, tập yoga, đi bộ hoặc đạp xe đúng cách. Tuyệt đối tránh những bộ môn như: tập gym, chơi golf, cầu lông, tennis, bóng đá, bóng rổ…; đồng thời hạn chế các động tác ngồi xổm, vận động mạnh hoặc chạy nhảy lên xuống.

Lưu ý khi điều trị thoát vị đĩa đệm

  • Hạn chế nằm nhiều
  • Chú ý tư thế nằm: Một số tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm được các chuyên gia khuyến nghị là: Nằm nghiêng và co gối, nằm sấp và kê gối (hoặc chăn) dưới bụng, nằm nghiêng và kê gối giữa hai chân, nằm ngửa và kê gối dưới chân.
  • Lựa chọn đệm phù hợp
  • Không nên ngồi xổm
  • Tránh các môn thể thao có động tác vặn người
  • Cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt: tránh ngồi bật dậy đột ngột có thể gây tổn thương cơ lưng.

Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

  • Tập thể dục đều đặn, các bài tập: thái cực quyền, bơi lội, yoga, đi bộ… là cách giúp tăng cường sự dẻo dai cho khớp, phòng ngừa thoát vị đĩa đệm khi còn trẻ.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý.
  • Ngồi làm việc giữ thẳng lưng, sau khoảng 1 – 2 giờ phải đứng dậy đi lại, tập vài động tác nhẹ, tránh ngồi lì và không vận động.
  • Không mang vác, nâng vật quá sức.
  • Chế độ ăn uống khoa học bổ sung canxi, vitamin D Glucosamine và Chondroitin nuôi dưỡng khớp khỏe mạnh.
  • Không hút thuốc, không dùng chất kích thích, hạn chế rượu bia.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Leave a reply