Viêm tai xương chũm: nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tai xương chũm là một biến chứng thường gặp của bệnh viêm tai giữa cấp, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thẩm chí tử vong.

Viêm tai xương chũm: nguyên nhân và cách điều trị
Viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm là bệnh gì?

Viêm tai xương chũm là bệnh nhiễm trùng ở chỗ lồi ra của xương sọ nằm sau tai gọi là mấu chũm. Bệnh có thể phá hủy phần xương này, kéo theo mất khả năng nghe.

 Các tế bào khí ở xương chũm có tác dụng bảo vệ các cấu trúc tinh vi của tai, điều chỉnh áp lực tai và có thể bảo vệ xương thái dương khi bị chấn thương. Khi các tế bào xương chũm bị nhiễm trùng hoặc bị viêm, thường là do viêm tai giữa chưa được chữa khỏi sẽ dẫn đến viêm xương chũm.

Viêm tai xương chũm được chia làm hai loại bao gồm:

Viêm tai xương chũm cấp tính

Là tình trạng nhiễm trùng xảy ra trong 5-7 ngày do các loại vi khuẩn gây ra, phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae, sau đó là Streptococcus pyogenes, Haemophilus influenzae và Staphylococcus aureus. Đây là một biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm tai giữa cấp tính, có tỷ lệ trung bình khoảng 0,24%.

Mặc dù ít gặp nhưng trẻ em dưới 2 tuổi lại là đối tượng có nguy cơ mắc cao nhất. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ dễ gặp phải các biến chứng ngoại sọ nghiêm trọng như áp xe dưới màng xương, áp xe Bezold hoặc biến chứng nội sọ như liệt dây thần kinh mặt, viêm mê nhĩ, áp xe dưới màng cứng… có thể đe dọa đến tính mạng.

Viêm tai xương chũm mạn tính

Là tình trạng tai giữa và xương chũm bị nhiễm trùng liên tục gây chảy dịch tai kéo dài trên 3 tháng. Tình trạng này cũng có thể gây ra các biến chứng nội sọ và ngoại sọ nguy hiểm, tương tự như ở viêm tai xương chũm cấp tính.

Nguyên nhân gây bệnh

Các trường hợp viêm tai xương chũm xuất phát từ bệnh viêm tai giữa cấp tính tiến triển gây bít tắc ống Eustachian dẫn đến tình trạng viêm và nhiễm trùng xương chũm.

Ống Eustachian kết nối từ tai giữa đến họng mũi, có nhiệm vụ lưu thông dịch hoặc không khí từ tai giữa. Nếu ống này bị thu hẹp do viêm nhiễm hoặc bụi bẩn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Bị nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn như Haemphilus influenza, Staphylococcus hoặc Streptococcus.

Viêm tai giữa sau các bệnh: cúm, sởi, bạch hầu và ho gà.

Những triệu chứng của bệnh

  • Đau tai là triệu chứng chính
  • Nghe kém: Từ từ tăng dần, nghe kém thể dẫn truyền.
  • Có thể kèm ù tai, chóng mặt nhẹ.
  • Sốt
  • Có thể gặp co giật, nôn, thóp phồng ở trẻ
  • Da vùng chũm sưng nề, tấy đỏ
  • Ống tai ngoài, hòm nhĩ có mủ thối, đặc, màu vàng đục

Biến chứng bệnh viêm tai xương chũm

Dựa trên vị trí của quá trình viêm xương chũm, nhiễm trùng có thể lan vào trong não hoặc lan ra ngoại vi và gây ra những hậu quả nặng nề. Cụ thể:

Biến chứng ngoài sọ của viêm tai xương chũm cấp tính

  • Áp xe dưới màng xương: Là một áp xe ở ngoại vi của hộp sọ gần xương chũm.
  • Liệt dây thần kinh mặt: Do chèn ép dây thần kinh mặt.
  • Viêm mê đạo: Do sự lây lan của nhiễm trùng trong khoang tai giữa dẫn đến ù tai.
  • Viêm – áp xe xương: Là viêm tủy xương các phần khác của hộp sọ với biểu hiện gồm chảy mủ tai, đau nửa đầu, liệt thần kinh mặt.
  • Áp xe Bezold: viêm xương chũm lan rộng gây áp xe vùng bên cổ.

Các biến chứng nội sọ của viêm tai xương chũm cấp tính

Khoảng 6-23% trường hợp viêm tai xương chũm cấp tính có biến chứng nội sọ với các triệu chứng thường gặp như co giật, cứng khớp, đau đầu và viêm não màng não. Các biến chứng phổ biến bao gồm:

  • Áp xe thùy thái dương hoặc tiểu não.
  • Áp xe ngoài màng cứng hoặc dưới màng cứng.
  • Huyết khối xoang tĩnh mạch. Đây là biến chứng ít gặp nhất trong tất cả các biến chứng nội sọ.
Đi khám bác sĩ ngay nếu bạn có các biệu hiện của bệnh

Điều trị viêm tai xương chũm

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng viêm tai xương chũm để quyết định chữa bệnh viêm tai xương chũm bằng phương pháp phù hợp.

Dùng thuốc điều trị

Những bệnh nhân không có biến chứng, không có tiền sử bệnh lý đáng kể có thể điều trị bằng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch. Người viêm xương chũm cấp tính không biến chứng được coi là bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý đáng kể.

Phẫu thuật

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, các loại thủ thuật chọc màng nhĩ kết hợp đặt ống thông khí màng nhĩ và cắt xương chũm có thể được chỉ định.

  • Thủ thuật đặt ống thông khí màng nhĩ: Trường hợp xương chũm tụ dịch nhiều gây, hủy các bè xương chũm, sốt cao hoặc có các dấu hiệu thần kinh nhưng không có biến chứng có thể áp dụng thủ thuật đặt ống thông khí màng nhĩ kết hợp với điều trị bằng kháng sinh IV, steroid liều cao IV.
  • Phẫu thuật xương chũm: Nếu tình trạng viêm tai xương chũm không cải thiện trong 48 giờ nhập viện, phẫu thuật cắt xương chũm được chỉ định kết hợp với dùng kháng sinh. Kháng sinh IV vancomycin được lựa chọn cho những bệnh nhân không bị viêm tai giữa mạn tính để chống lại các tác nhân gây bệnh phổ biến nhất như Streptococcus pneumoniae, liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn pyogenes và vi khuẩn Haemophilus influenzae.

Ở những bệnh nhân có tiền sử viêm tai giữa mạn tính, cần điều trị bằng kháng sinh vancomycin (một loại kháng sinh liều cao) để ngăn chặn biến chứng do khuẩn Streptococcus pyogenes và Staphylococcus aureus gây ra. Đây là hai loại vi khuẩn có thể gây biến chứng ở 50% bệnh nhân viêm tai xương chũm. Người bệnh cũng cần theo dõi sức khỏe liên tục vì tình trạng sức khỏe có thể xấu đi nhanh chóng.

 Phương pháp phòng bệnh quan trọng nhất đối với bệnh viêm tai xương chũm là tiêm vắc xin. Ai cũng nên tiêm vắc xin phế cầu 13, nhất là trẻ từ 6 tháng tuổi và người bị suy giảm miễn dịch vì đây là đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc bệnh viêm tai xương chũm.

Viêm tai giữa cấp tính là nguyên nhân hàng đầu gây viêm xương chũm. Điều trị sớm bệnh này có thể ngăn chặn nhiễm trùng lan sang xương chũm.

Chủ động phòng ngừa các bệnh lý về tai bằng cách: Không nên tùy tiện dùng các vật dụng sắc nhọn lấy ráy tai, giữ cho tai khô thoáng, không được để tai đọng nước, ẩm…

Nên chủ động đi thăm khám và điều trị nếu như có bất cứ vấn đề gì liên quan đến tai mũi họng. Với trẻ nhỏ, nếu như nhận thấy những biểu hiện lạ nên nhanh chóng đưa đi thăm khám bác sĩ. 

Leave a reply