Viêm gan B mạn tính

Viêm gan B mạn tính là bệnh lý xảy ra khi virus viêm gan B vẫn còn nằm trong cơ thể sau 6 tháng. Giai đoạn đầu bệnh khó phát hiện, về sau bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và dễ nhận biết là vàng da.

Viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính

Bệnh viêm gan B

Viêm gan B là một căn bệnh hiểm cho gan do virus mang tên HBV gây ra. Bệnh này có tốc độ lây lan nhanh, thường lây qua ba con đường cơ bản.

  • Lây từ mẹ sang con: Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm virus HBV nếu như mẹ bị viêm gan B. Chính vì thế cần tiêm phòng viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh.
  • Lây qua quan hệ tình dục: Nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bị viêm gan B thì cũng rất dễ lây bệnh.
  • Lây qua đường máu: Các trường hợp truyền máu, hiến máu, tiêm hoặc xăm hình nếu dụng cụ y tế không được khử trùng sạch sẽ, việc lây nhiễm vẫn có khả năng cao diễn ra.

Viêm gan B mạn tính không lây qua các tiếp xúc thông thường như ho, hắt hơi, nước bọt hoặc cho con bú.

Căn bệnh này nguy hiểm hơn bởi nó ít biểu hiện ra ngoài những dấu hiệu rõ ràng ở thời kỳ đầu, khiến chúng ta khó phát hiện ra bệnh. Đến khi biết mình bị viêm gan B, nhiều trường hợp đã ở mức độ nặng. Viêm gan B thường chia thành 2 loại: viêm gan B cấp tính và mãn tính.

Viêm gan B mạn tính là gì?

Viêm gan B mạn tính xảy ra khi cơ thể không thể tự đào thải virus viêm gan B ra khỏi cơ thể sau 6 tháng. Bệnh tiến triển khá âm thầm, các triệu chứng không đặc hiệu rất khó nhận biết, nếu có thì các triệu chứng này tương tự các triệu chứng viêm gan B cấp tính. Điều này khiến người bệnh chủ quan không đi thăm khám sớm đến khi phát hiện ra thì đã ở giai đoạn muộn, cơ thể không còn sức đề kháng để chống lại bệnh do lượng virus sản sinh quá lớn.

Viêm gan B mạn tính nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ xơ gan, suy gan, ung thư gan và có khả năng dẫn đến tử vong.

Nguy cơ phát triển nhiễm trùng viêm gan B thành viêm gan B mãn tính cũng liên quan trực tiếp đến độ tuổi lần đầu tiên tiếp xúc với virus viêm gan B:

  • 90% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh sẽ bị viêm gan B mãn tính khi trưởng thành
  • Hơn 50% trẻ em bị nhiễm bệnh (1-5 tuổi) sẽ phát triển thành viêm gan B mãn tính khi lớn lên
  • Chỉ có 5-10% người lớn bị nhiễm bệnh sẽ phát triển thành viêm gan B mãn tính (nghĩa là, có đến 90% các trường hợp sẽ khỏi bệnh).

Xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất giúp chẩn đoán hiệu quả viêm gan B và giúp bác sĩ định lượng nồng độ virus viêm gan B trong cơ thể. Bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị tích cực sẽ cải thiện tiên lượng bệnh trong tương lai.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan mạn tính là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm gan mạn tính, trong đó thường gặp nhất là:

  • Do virus viêm gan B (HBV): Việt Nam hơn 10% dân số bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính. Ở người lớn, có khoảng 5%-10% người mắc viêm gan B cấp tính trở thành mạn tính. Đối với trẻ em, viêm gan B cấp trở thành mạn tính chiếm tới 90% ở trẻ sơ sinh và 25-50% ở trẻ nhỏ.
  • Do virus viêm gan C (HCV): Việt Nam khoảng 1% dân số bị nhiễm virus viêm gan C mạn tính. Hơn 75% người bệnh mắc viêm gan C cấp tính trở thành mạn tính sau đó.
  • Do lạm dụng bia rượu: Khi gan tiếp nhận và xử lý rượu bia, các chất độc gây hại cho gan được sản sinh ra. Càng uống nhiều rượu hoặc uống trong thời gian dài càng gây tổn thương gan, khiến tình trạng viêm gan lan rộng; lâu ngày dẫn tới xơ gan.
  • Do mắc gan nhiễm mỡ không do rượu: Thường xảy ra ở những người thừa cân, béo phì hoặc có nồng độ bất thường của cholesterol và các chất béo khác trong máu. Điều này khiến cơ thể tổng hợp chất béo nhiều hơn. Kết quả là lượng chất béo tích tụ trong tế bào gan lớn, gọi là gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến viêm gan mạn tính và cuối cùng tiến triển thành xơ gan.
  • Viêm gan tự miễn: Là một loại bệnh viêm gan mạn tính, xảy ra do rối loạn miễn dịch. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó chủ yếu là phụ nữ.
  • Do thuốc: Có một vài loại thuốc nếu sử dụng trong thời gian dài có khả năng gây viêm gan mạn tính như amiodarone, isoniazid, methotrexate, methyldopa, nitrofurantoin, tamoxifen; hiếm gặp hơn là acetaminophen.
Lạm dụng rượu bia gây ra bệnh viêm gan

Triệu chứng viêm gan B mạn tính

Không giống viêm gan B cấp tính, các triệu chứng viêm gan B mạn tính thường mơ hồ trong thời gian đầu, bệnh tiến triển âm thầm.

Các triệu chứng viêm gan B mãn tính có thể gặp phải khi bệnh nặng dần có thể là:

  • Người bệnh sốt nhẹ
  • Cảm thấy chán ăn
  • Khó chịu ở vùng bụng trên
  • Đau nhức khắp cơ thể

Khi bệnh tiến triển nặng có bằng chứng của xơ gan dần xuất hiện, các dấu hiệu viêm gan B mãn tính ở người bệnh có thể gặp bao gồm:

  • Lá lách sưng
  • Các mạch máu có hình mạng nhện nhỏ (hay còn gọi là u mạch mạng nhện)
  • Lòng bàn tay đỏ
  • Cổ trướng (ổ bụng có tụ dịch)
  • Hay xuất huyết (rối loạn đông máu) do gan bị tổn thương làm ảnh hưởng chức năng gan không thể tổng hợp đủ các protein giúp máu đông.
  • Vàng da kèm ngứa ngáy
  • Suy giảm chức năng não (hay còn gọi là bệnh não gan) vì gan bị tổn thương nặng chức năng gan ảnh hưởng không thể tự loại bỏ các chất độc hại ra khỏi máu như bình thường. Sau đó, những chất độc hại này sẽ tích tụ trong máu và đến não.

Sự nguy hiểm của bệnh viêm gan mạn tính

Viêm gan mạn tính nếu không có cách kiểm soát sớm, kịp thời có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:

  • Khiến gan bị xơ hóa, gây xơ gansuy gan
  • Bệnh não gan
  • Xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cửa
  • Ung thư gan
  • Tử vong
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan là cách bảo vệ bản thân mình

Điều trị bệnh viêm gan B mạn tính

Việc điều trị viêm gan mạn tính nhằm ngăn ngừa bệnh trở nặng hơn cũng như phòng ngừa biến chứng xơ gan, suy gan. Phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Nếu bạn bị viêm gan virus B và C mạn tính, bạn được điều trị bằng thuốc kháng virus với tỷ lệ hiệu quả rất cao. Thời gian điều trị viêm gan virus B là lâu dài. Riêng với viêm gan virus C thời gian điều trị từ 3- 6 tháng tùy theo đã có xơ gan hay chưa, thuốc uống cho phép làm sạch virus> 09% số trường hợp điều trị

Viêm gan mạn tính do bia rượu, cách điều trị đầu tiên cần làm là bỏ hoàn toàn bia rượu.

Bị gan nhiễm mỡ không do rượu – thì cần chú trọng việc giảm cân, thường xuyên rèn luyện thể chất. Ngoài ra nhiều người bị gan nhiễm mỡ có mức đường huyết cao – có nguy cơ cao hình thành bệnh tiểu đường loại 2 – nên cũng cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu để giảm lượng chất béo tích tụ trong gan.

Với viêm gan mạn tính có liên quan tới viêm gan tự miễn, thông thường sẽ cần đến corticosteroid kết hợp với thuốc ức chế hệ miễn dịch như azathioprine. Tuy nhiên, việc dùng corticosteroid trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do đó corticosteroid thường được giảm dần liều để người bệnh có thể ngừng sử dụng và sau đó tiếp tục duy trì dùng azathioprine.

Phòng ngừa viêm gan B mạn tính

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để chủ động phòng ngừa hiệu quả viêm gan B mạn tính người bệnh cần:

  • Phương pháp phòng ngừa viêm gan B mãn tính hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng viêm gan B. Việc tiêm phòng cần chủ động thực hiện với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính và những đối tượng chưa có kháng thể chống lại HBV.
  • Không dùng chung kim tiêm, đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, bấm móng tay, dao cạo râu,… với bất kỳ ai.
  • Quan hệ tình dục thủy chung một vợ/một chồng/một bạn tình, nếu đối phương nhiễm viêm gan B cần sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh viêm gan B, tuyệt đối không tiếp xúc với máu và dịch tiết của người bệnh.
  • Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để tránh gây hại cho gan.
  • Khám sức khỏe định kỳ 2 lần/ năm để theo dõi sức khỏe gan, mật để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường liên quan đến viêm gan B.
  • Người mắc viêm gan B mạn tính cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, hợp lý, và tuân thủ các phương pháp điều trị của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Bệnh viêm gan B mạn tính vô cùng nguy hiểm, cần được điều trị sớm. Bệnh khó phát hiện vì không có dấu hiệu cụ thể nhận biết, vì thế bạn cần đến một cơ sở y tế uy tín để khám sức khỏe định kỳ và làm những xét nghiệm liên quan. 

Leave a reply